Áo muốn Nhật Bản tham dự cuộc họp đầu tiên về hiệp ước cấm hạt nhân

GD&TĐ - Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã kêu gọi sự tham gia của Nhật Bản và các quốc gia không ký kết khác trong cuộc họp đầu tiên về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Áo muốn Nhật Bản tham dự cuộc họp đầu tiên về hiệp ước cấm hạt nhân

Thủ tướng Áo cho biết: “Đây là cột mốc lịch sử, là một bước tiến mà nhiều người chỉ trích vũ khí hạt nhân cũng như các nạn nhân của các vụ nổ bom nguyên tửHiroshima và Nagasaki năm 1945 đã chiến đấu trong hơn 70 năm.”

Áo là quốc gia đi đầu trong nỗ lực thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân vào năm 2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia và khu vực. Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên đặt ngoài vòng pháp luật việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 10, 50 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước.

Tuy nhiên, các quốc gia có vũ khí hạt nhân, như Mỹ, Nga và Trung Quốc đều không tham gia. Nhật Bản cũng không ký hiệp ước do liên minh an ninh với Mỹ. Hiệp ước chỉ mang tính chất ràng buộc đối với những quốc gia đã chính thức ký và phê chuẩn.

Ông Kurz cho biết: “Tất cả các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế liên quan và các tổ chức xã hội dân sự đều được khuyến khích tham gia với tư cách là quan sát viên trong cuộc họp đầu tiên của hiệp ước.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tỏ thái độ không mấy tích cực về việc tham gia cuộc họp với tư cách quan sát viên. Trong khi đó, đồng minh cấp dưới của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Komeito đã kêu gọi Nhật Bản tham dự. Đáp lại, ông Suga cho biết Nhật Bản cần phải xem xét thận trọng về vấn đề này.

Ông Kurz nói: “Hiệp ước là minh chứng cho thấy phần lớn người dân trên Trái đất không muốn sống trong cái bóng của những vũ khí này. Càng nhiều quốc gia tham gia hiệp ước thì thông điệp này sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.” Ngay cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ và Nga cũng sẽ cảm nhận được tác động của hiệp ước.

Nhà lãnh đạo Áo đã đến thăm Hiroshima vào năm 2019 để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử. Áo là quốc gia phản đối mạnh mẽ vũ khí hạt nhân. Trong, Chiến tranh Lạnh, quốc gia này nằm ở vị trí trung lập giữa các quốc gia phương Tây và phương Đông.

Theo Kyodo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ