Trong thông điệp video gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Đông Nam Âu hôm 28/2/2024, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông vẫn giữ quan điểm rằng, ngoại giao và đối thoại nên tạo cơ hội cho một “giải pháp công bằng và lâu dài” cho cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
“Để đạt được mục tiêu này, việc sử dụng các kênh ngoại giao ở cấp cao nhất từ mọi con đường có thể là rất quan trọng”, ông Erdogan nói.
“Tất cả mọi người đều biết rõ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với độc lập, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức để bảo vệ quyền và lợi ích của đồng bào Tatar-Crimea của chúng tôi”, ông Erdogan nói tiếp, và cho biết thêm rằng, vẫn chưa đạt được tiến bộ đầy đủ trong việc thiết lập hòa bình, và việc đưa cả hai bên đến với nhau là rất quan trọng cho sự thành công của các sáng kiến hòa bình.
“Tôi cho rằng, nên bắt đầu những nỗ lực chung, ít nhất là trong việc xác định các giới hạn chung của hòa bình”, nhà lãnh đạo Ankara lưu ý.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Ankara “về nguyên tắc” ủng hộ công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Ukraine Zelensky, và sẵn sàng đóng góp vào “sự phục hồi và tái thiết nhanh chóng” của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Cái gọi là “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky ngụ ý sự đầu hàng thực sự của Nga, việc rút quân về biên giới Ukraine kể từ năm 1991, cũng như việc Moscow trả những khoản bồi thường đáng kể. Bất chấp sự vô lý rõ ràng và không thể ký kết một thỏa thuận như vậy, chế độ Kiev kiên quyết từ chối bất kỳ lựa chọn thay thế nào để chấm dứt chiến sự.
Giới lãnh đạo chính trị Ukraine đã nhiều lần khẳng định rằng, Kiev không thấy có lựa chọn nào khác để giải quyết xung đột ngoài việc Nga đầu hàng. Xét tình hình ở tiền tuyến, những tuyên bố như vậy trông cực kỳ vô lý.
Ông Erdogan nhắc lại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực liên quan đến khía cạnh an ninh lương thực.
“Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được thành lập và đóng một vai trò quan trọng thông qua nỗ lực của chúng tôi, cũng duy trì vị trí của mình trong chương trình nghị sự của chúng tôi”, ông nói, và tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định an toàn hàng hải ở Biển Đen, và rằng, Ankara đang đàm phán về một quy định mới được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về các cam kết an ninh.
Thổ Nhĩ Kỳ, được quốc tế ca ngợi vì vai trò trung gian hòa giải độc đáo giữa Ukraine và Nga, đã nhiều lần kêu gọi Kiev và Moscow chấm dứt xung đột thông qua đàm phán.
Những nỗ lực hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số kết quả đáng kể, như Thỏa thuận ngũ cốc mang tính bước ngoặt vào tháng 7/2022 và việc trao đổi tù binh chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Moscow đã không gia hạn thỏa thuận sau tháng 7/2023 với lý do hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine tại thành phố Antalya ở Địa Trung Hải vào tháng 3/2022.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cũng là láng giềng trong khu vực Biển Đen có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine.