Mỹ không thấy cơ hội hòa bình trước ngày bầu cử tổng thống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Washington và các đồng minh được cho là đã loại trừ một thỏa thuận hòa bình với Nga trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11/2024.

Các thành viên trong gia đình tham dự đám tang của một người lính Ukraine thiệt mạng gần Avdeevka hôm 22/2/2024
Các thành viên trong gia đình tham dự đám tang của một người lính Ukraine thiệt mạng gần Avdeevka hôm 22/2/2024

Các nhà lãnh đạo phương Tây được cho là đã bác bỏ khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình qua đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào cuối năm nay.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 23/2/2024: “Các quan chức ở Washington và các thủ đô châu Âu đang hoài nghi về triển vọng của bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga, và coi nhẹ mọi khả năng đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay”.

Hãng tin này cho biết thêm, chế độ Kiev đã nhấn mạnh rằng, các lực lượng Nga phải rời khỏi toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, trong khi sự hỗ trợ của Mỹ có thể sụp đổ nếu ông Donald Trump đánh bại Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Theo WSJ, rủi ro chính trị thậm chí còn cao hơn so với thời điểm cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu cách đây hai năm vì các nhà lãnh đạo phương Tây đã đầu tư hàng tỷ USD vào quốc phòng của Kiev trong khi liên tục thề sẽ tiếp tục ủng hộ họ “miễn là cần thiết”.

Thất bại của Ukraine có thể làm lung lay uy tín địa chính trị của Washington, đặc biệt nếu chính phủ của Tổng thống Biden không tiếp tục cung cấp viện trợ.

Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Washington lập luận: “Mức độ đầu tư của Washington vào dự án độc lập của Kiev đã tăng lên, và do đó mức độ tín nhiệm của Mỹ được đánh giá dựa trên khả năng Nga hoàn thành hay không hoàn thành các mục tiêu của mình ở Ukraine.

Nếu có một sự đảo ngược đáng kể về vận mệnh ở Ukraine, thì sẽ có nhiều niềm tin hơn vào khối mới nổi gồm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran”.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại rằng, Moscow luôn sẵn sàng đàm phán hòa bình và hoan nghênh mọi nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần này cho biết, cả Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ nước này đều không sẵn sàng chấm dứt đổ máu, khiến Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu.

Ông Lavrov cho rằng, cuộc bầu cử ở Mỹ ít ảnh hưởng đến vấn đề này, vì cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều coi Nga là “đối thủ và mối đe dọa”.

Trong khi đó, các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã từ chối chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Biden về khoản tài trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine.

Washington đã hết tiền viện trợ cho Ukraine vào tháng trước sau khi tiêu hết 113 tỷ USD trong khoản chi tiêu đã được phê duyệt trước đó.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Sergey Zagorodnyuk nói với WSJ: “Không chỉ viện trợ của Mỹ đã bị cắt mà còn bị cắt mà không có cảnh báo và không cho chúng tôi thời gian để điều chỉnh.

Nếu cuộc khủng hoảng này không được giải quyết và Ukraine không nhận được sự hỗ trợ thì đó sẽ trở thành một món quà lớn dành cho Nga”.

Tờ báo cho biết, các đồng minh châu Âu của Washington “lo sợ” trước nguy cơ mất đi sự bảo vệ của Mỹ đến mức một số chính trị gia Đức đã thảo luận về việc tìm kiếm sự bảo vệ từ Pháp và Anh có vũ khí hạt nhân.

“Nó cho bạn biết về mức độ nghi ngờ và sợ hãi về thế giới mà chúng ta đang bước vào - một thế giới mà Mỹ không ở đó vì chúng ta và nơi các siêu cường là Nga và Trung Quốc có khả năng chống lại chúng ta”, giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin, ông Thorsten Benner lưu ý.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ