Anh tuyên bố gửi 200 tên lửa Brimstone khi Đức vẫn phủ quyết Taurus

GD&TĐ - Ukraine nhận cùng lúc thông tin bất lợi và có lợi giữa thời điểm Kyiv yêu cầu thêm nhiều vũ khí từ phương Tây.

Anh tuyên bố gửi 200 tên lửa Brimstone khi Đức vẫn phủ quyết Taurus

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps vừa công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm 200 tên lửa chống tăng Brimstone.

Ông Shapps đã nói điều này trong bài phát biểu tại Hạ viện, nhấn mạnh rằng đây là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine.

Quyết định cung cấp vũ khí đã gây ra phản ứng gay gắt từ Nga, khi Moskva coi hành động đó là sự can thiệp trực tiếp của các nước NATO vào cuộc xung đột và “đùa với lửa”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh bất kỳ chuyến hàng vũ khí nào tới Ukraine sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của lực lượng quân sự Nga.

Ngoài ra, ông Lavrov còn chỉ ra sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ và NATO vào cuộc xung đột, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ Anh, Đức, Ý và các nước khác.

Điện Kremlin cũng bày tỏ quan điểm rằng việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ các nước phương Tây không góp phần vào đối thoại và giải quyết tình hình, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra của chính sách như vậy.

Ukraine chưa thể có tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất.

Ukraine chưa thể có tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất.

Trong khi đó Hạ viện Đức đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này bắt đầu cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.

Kết quả bỏ phiếu diễn ra sau hàng loạt tranh luận như sau: 182 phiếu thuận, 480 phiếu chống và 5 phiếu trắng, theo báo cáo của Chủ tịch Hạ viện.

Sáng kiến ​​này đến từ khối đối lập của Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo và Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU).

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Đức đã xem xét một dự thảo khác do các phe phái trong liên minh cầm quyền đề xuất, bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh.

Trong tài liệu này, liên minh kêu gọi Nội các bắt đầu cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa để tiêu diệt những mục tiêu chiến lược ở hậu phương Nga mà không đề cập cụ thể đến tên lửa hành trình Taurus.

Điểm tranh cãi chính liên quan đến việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus là tầm bắn của vũ khí này lên tới 500 km. Cho đến nay, Đức vẫn hạn chế gửi cho Kyiv tên lửa có khả năng tấn công ở cự ly xa như vậy.

Tên lửa hành trình Taurus KEDP 350 của Đức là một vũ khí cực kỳ đáng gờm.

Theo Avia-pro

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ