Theo Chánh Thanh tra của Ofsted - Amanda Spielman, những đứa trẻ lớn hơn tại nước này bị suy giảm thể chất, cũng như kỹ năng đọc và viết. Ngoài ra, một số trẻ có dấu hiệu đau khổ, bao gồm gia tăng chứng rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân.
Ngày càng có nhiều trẻ em nghỉ học để được giáo dục tại nhà, đặc biệt là trong các gia đình thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ được xem là nhóm người có nguy cơ cao và lo ngại sẽ mắc bệnh Covid-19. Trong khi đó, lãnh đạo các trường cũng bày tỏ lo lắng về áp lực ngân sách ngày càng lớn.
Phát hiện của Ofsted được đưa ra sau 900 chuyến thăm trường học và các cơ sở chăm sóc xã hội, kể từ khi những tổ chức này mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 9. Tuy nhiên, những phát hiện được cho là đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về tác động của đại dịch đối với trẻ em ở mọi giai đoạn của hệ thống giáo dục Anh.
Trong khi trẻ có cơ cấu hỗ trợ tốt hoàn toàn đối phó được với Covid-19, những học sinh có cha mẹ không thể làm việc linh hoạt và ít được trợ giúp là nhóm người thiệt thòi hơn. Trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật đã bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” ở tất cả các nhóm tuổi, cả về chăm sóc và giáo dục.
Ofsted đồng thời lo ngại về việc trẻ em có nguy cơ bị bỏ rơi, bóc lột và lạm dụng.
Tháng trước, dựa trên 121 chuyến thăm trường, Ofsted báo cáo rằng, có tới 1/3 tổng số tổ chức giáo dục đã chứng kiến sự gia tăng số lượng trẻ em không đi học hoặc học tại nhà. Con số này hiện đã lên đến 1/2, sau những chuyến khảo sát tiếp theo.
Bà Spielman cho biết, phần lớn trẻ em không phát triển mạnh cũng như không bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ tháng 3.
“Nhưng rõ ràng là đã có một tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với sự phát triển giáo dục của họ. Việc không được tiếp cận với giáo dục là điều không thể chối cãi, nhưng rất khó để đánh giá. Chìa khóa là xác định chính xác những gì trẻ chưa học được từ chương trình và đâu là cần thiết cho các bước tiếp theo”.
Lãnh đạo Ofsted cho biết, việc học ở nhà vẫn còn “chắp vá”. Một số nam sinh đã dành phần lớn thời gian chơi điện tử trực tuyến với bạn bè. Và, sau nhiều tháng học từ xa, các cuộc cãi vã trực tuyến thường xuyên xảy ra trong lớp học.
Ofsted cũng nêu lên những lo lắng của các nhà lãnh đạo trường học về ngân sách của họ. Các trường phải trang trải cho sự vắng mặt của nhân viên và tăng cường vệ sinh, nhằm phòng, chống Covid-19.
Những hoạt động này đã khiến họ phải bỏ nhiều chi phí hơn. Một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ bồi hoàn cho các trường học về chi phí mà họ phải chịu do Covid-19 đã nhận được 13.000 chữ ký chỉ trong một tuần.
James Bowen - Giám đốc Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia, cho biết: “Chính phủ từ chối công nhận những khó khăn tài chính mà các trường đang gặp phải do Covid-19. Điều đó có nghĩa là giáo dục và phúc lợi của trẻ em đang chịu thiệt thòi. Thậm chí, một số trường có thể gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính”.
Trước tình hình này, một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng, một số trẻ em cần được hỗ trợ thêm để bắt kịp hậu quả của đại dịch. Đó là lý do chúng tôi phát động quỹ Covid-19 trị giá 1 tỷ bảng cho các trường học để hỗ trợ những trẻ em có nhu cầu”.
Cũng theo người này, chương trình dạy kèm quốc gia hiện đã được triển khai tại các trường học. Đây là chương trình hỗ trợ chuyên sâu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất.
“Bằng chứng cho thấy, việc dạy kèm chất lượng cao có thể bù đắp cho sự thiếu hụt kiến thức từ 3 - 5 tháng”, phát ngôn viên khẳng định.