Anh: Số người học ngoại ngữ tăng trong năm 2020

GD&TĐ - 10% người trưởng thành tại Anh học ngoại ngữ trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, trong đó tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được chọn học nhiều nhất.

Số lượng người Anh đăng ký khóa học ngôn ngữ trực tuyến tăng vọt trong năm 2020.
Số lượng người Anh đăng ký khóa học ngôn ngữ trực tuyến tăng vọt trong năm 2020.

Theo thống kê của nền tảng học ngôn ngữ trực tuyến Duolingo, số người học ngoại ngữ tại Anh đã tăng nhanh gấp đôi so với các nước khác trên thế giới trong năm 2019. Hàng nghìn người dân tại xứ sở sương mù đang học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Italy và ngôn ngữ tại các quốc gia châu Âu khác.

Trong đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ học được người Anh ưa chuộng nhất. Nhiều người trong nhóm hy vọng cải thiện kỹ năng ngôn ngữ để đạt đủ điều kiện trở thành công dân của một quốc gia châu Âu.

Năm 2020, Vương quốc Anh là một trong năm quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của Duolingo về số lượng người học hàng ngày. Ước tính số người Anh học ngoại ngữ năm 2020 đã tăng 132% so với năm 2019.

Colin Watkins, Giám đốc Duolingo tại Anh, cho biết: “Các sự kiện như Brexit, đại dịch Covid-19 hay Thế vận hội Tokyo đã thúc đẩy nhu cầu học ngoại ngữ của người dân Anh. Giờ đây, họ muốn trở thành công dân toàn cầu khi đi du lịch, kinh doanh hay kết bạn tại chính quốc gia của họ”.

Watkins thông tin trong 15 triệu người đăng ký các khóa học trực tuyến của Duolingo, nhiều người không nhằm mục đích trở nên thông thạo mà chỉ cần đạt mức hiểu biết cơ bản. Tiếng Pháp là một trong những chương trình học đầu tiên do Duolingo sản xuất và nó đang dần trở nên phổ biến tại Anh. Nó đứng top 5 trong danh sách ngôn ngữ được người mới học lựa chọn vì họ muốn đi du lịch trong tương lai, muốn kinh doanh hoặc chỉ muốn tiếp tục kiến thức dang dở trong nhà trường.

Các ứng dụng học ngôn ngữ khác cũng chứng kiến mức gia tăng tương tự, Ứng dụng Memrise thống kê lượng người dùng mới tăng cao nhất vào tháng 3. 70% người dùng đang học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp trong khi tiếng Đức, tiếng Italy và tiếng Nhật cũng rất được yêu thích.

Việc Anh rời khỏi EU cũng không làm ảnh hưởng tới nhu cầu học ngoại ngữ của người dân, đặc biệt là sinh viên nước này. Maxine Brown, 27 tuổi, sinh viên năm hai chuyên ngành Kinh tế, đã học tiếng Đan Mạch trong sáu tháng qua. Cô dự định chuyển đến Đan Mạch để học cao học và làm việc trong các dự án vì môi trường.

Brown cho biết: “Tôi quan tâm đến nguồn đào tạo kinh doanh và Đan Mạch là một trong những quốc gia dẫn đầu. Tôi bắt đầu học tiếng Đan Mạch từ tháng 5. Rất nhanh sau đó tôi có thể đọc báo, luyện nói qua các diễn đàn trực tuyến và nghe đài bằng ngôn ngữ này”.

Công dân Anh tiếp tục có quyền sống và làm việc tại các nước trong khu vực EU và ngược lại, công dân trong Liên minh châu Âu có quyền tương tự tại Anh đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, công dân Anh sẽ không còn quyền sống và làm việc tại các nước EU.

Trong dự định học tập và làm việc tại Đan Mạch, Maxine Brown sẽ cần phải trả đầy đủ học phí mà không có sự hỗ trợ như khi Anh còn là thành viên của EU. Cô cũng cần giấy phép cư trú, quy định phải thông thạo tiếng Đan Mạch.

Brown giải thích nếu muốn mang quốc tịch Đan Mạch, một người phải cư trú tại quốc gia này 9 năm liên tiếp. Nhưng cũng có những con đường khác như học tập, đi làm. Vì vậy, việc Anh rời EU không khiến Brown nản lòng và sẽ tiếp tục kế hoạch như dự định.

Việc học ngoại ngữ trong trường phổ thông tại Anh đã giảm đáng kể trong 15 năm qua. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu đáng khích lệ. Cuộc khảo sát Xu hướng ngôn ngữ hàng năm của Hội đồng Anh cho thấy, số lượng trẻ em học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha cho kỳ thi GCSE năm 2019 tăng rõ rệt.

Ngoài ra, nhóm người trưởng thành vẫn đánh giá cao vai trò của ngoại ngữ. Trong thời gian Anh phong tỏa vào mùa xuân vì Covid-19, 10% người trưởng thành bắt đầu học ngoại ngữ hoặc quay lại học ngoại ngữ sau một thời gian tạm dừng. Hơn 30% số người được khảo sát đánh giá tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ phù hợp với thanh thiếu niên, theo sau là tiếng Pháp với 20% và tiếng Quan Thoại là 18%.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ