Brexit - tác động đến giáo dục Anh-Pháp như thế nào?

GD&TĐ - Brexit - cụm từ được dùng để nói đến việc Vương quốc Anh, bao gồm Anh, xứ Wales, Scotland, và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu - là một trong những sự kiện được chú ý nhất trong năm 2016, đã tạo ra nhiều sự xáo trộn trong mối quan hệ hợp tác về kinh tế, xã hội toàn cầu. Giáo dục cũng không nằm ngoài sự bất ổn thời kỳ hậu Brexit ấy.

Brexit - tác động đến giáo dục Anh-Pháp như thế nào?

Brexit tác động đến giáo dục ra sao?

Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu được công bố vào tháng 6/2016, cũng như những khía cạnh khác của quốc gia, các nhà lãnh đạo giáo dục, giảng viên và sinh viên cũng như các bậc phụ huynh tại Anh đã nghĩ ra nhiều viễn cảnh cho nền giáo dục của quốc gia.

Một số ít những người lạc quan cho rằng, đó sẽ là cơ hội giúp giáo dục Anh trở nên thống nhất và hoàn thiện hơn khi Anh sẽ có cơ hội phát triển một hệ thống hợp tác toàn cầu mới cũng như các sinh viên nội địa sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhưng đa số người dân Anh đều bày tỏ sự lo lắng về những ảnh hưởng to lớn tác động lên khía cạnh tài chính, số lượng sinh viên quốc tế, các chương trình trao đổi, hợp tác giáo dục với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, và quan trọng nhất là sẽ khiến cho chất lượng giáo dục, tiềm lực nghiên cứu của quốc gia bị suy giảm trầm trọng.

Điều này xuất phát từ việc các trường đại học tại Anh trước đây đều nhận được khoản trợ cấp ngân sách 15% từ Liên minh châu Âu và việc rời khỏi EU sẽ khiến cho nhà trường mất đi một nguồn tài chính không nhỏ, từ đó tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, việc thay đổi hệ thống thị thực khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng sẽ khiến những chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học sẽ bị giảm đi đáng kể bởi các nhà khoa học tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ dè dặt hơn trong việc sang Anh để thực hiện các công trình hợp tác.

Mặt khác, việc rời khỏi Liên minh châu Âu cũng đồng nghĩa với việc các sinh viên từ nhóm quốc gia châu Âu sẽ khó khăn hơn trong việc du học Anh và mức học phí cho nhóm sinh viên này sẽ không còn được ưu đãi như trước đây.

Điều này theo một số chuyên gia thì sẽ là một dấu hiệu tích cực cho sinh viên bản địa, cũng như thị trường việc làm trong nước khi sự cạnh tranh sẽ suy giảm do số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm.

Nhưng xét trên phương diện giáo dục chung thì sự sụt giảm sẽ khiến Anh mất đi chỗ đứng của một quốc gia thu hút du học sinh, đồng thời nguồn thu nhập của giáo dục quốc gia, vốn có một phần đóng góp không nhỏ của các du học sinh, sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ảnh hưởng đến những dự án siêu giáo dục liên kết

Tuy nhiên, điều mà các nhà lãnh đạo giáo dục Anh lo lắng nhất chính là việc những chương trình hợp tác giáo dục, hay cụ thể hơn là những dự án đầu tư với quy mô toàn cầu mà Anh đang thực hiện với một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, như Pháp, sẽ bị hủy bỏ.

Theo đó, trong Hội nghị Giáo dục Toàn cầu Going Global 2017, một diễn đàn riêng đã được thành lập để thảo luận về việc giáo dục Anh và Pháp sẽ phải làm gì để Brexit không ảnh hưởng đến chương trình hợp tác giữa hai nước, vốn có quy mô lên đến hơn 5.000 chương trình đầu tư được tài trợ ngân sách bởi Hội đồng châu Âu trong khuôn khổ của Hội thảo 2020 tổ chức vào năm 2015.

“Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thật sự là một cú sốc đối với chúng tôi. Chỉ sau một thời khắc, tất cả các chương trình hợp tác, đầu tư giữa hai nước đã đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ hoàn toàn. Các đối tác của chúng tôi tại Anh cũng đang cảm thấy lo lắng và sợ hãi trong thời kỳ hậu Brexit này. Không khí hiện giờ cứ như trong một đám tang vậy”, Christopher Cripps, giám đốc phụ trách giáo dục Liên minh châu Âu và quốc tế của đại học nghiên cứu PSL, Pháp, phát biểu trong hội nghị.

Đây thực tế là tình hình chung đối với các mối quan hệ hợp tác với Anh từ sau sự kiện Brexit, khi mà các dự án được đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Các đối tác của giáo dục Anh vẫn chưa thể biết được chương trình sẽ được tiếp tục thực hiện hay không khi mà ngay cả Anh cũng không thể quyết định họ sẽ tiếp tục nằm trong Hội thảo Horzizon 2020 trong hai năm nữa hay không.

Nhưng bên cạnh đó thì họ cũng không thể hủy bỏ chương trình hợp tác vì nó đã bắt đầu trong giai đoạn thực hiện cũng như có những ràng buộc liên quan đến pháp lý và tài chính giữa hai bên. Vì thế, cũng như giáo dục Pháp, những câu hỏi liên quan đến cơ hội tiếp tục hợp tác với giáo dục Anh sau Brexit có thật sự khả thi hay không cũng được nêu ra và nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham gia Hội nghị.

Cần hành động cụ thể

Sau khi vạch ra những tác động tiêu cực của Brexit đối với mối quan hệ hợp tác lâu đời giữa Anh và Liên minh châu Âu thì chủ đề của diễn đàn ngay lập tức chuyển sang việc cần phải làm gì để khắc phục hậu quả có thể sẽ xảy đến với giáo dục hai nước thời kỳ sau Brexit.

Một trong những nội dung được đề xuất chính là việc làm sao xây dựng tương lai hợp tác giữa giáo dục Anh và Pháp thời kỳ sau Brexit, trên góc nhìn của giáo dục hai nước.

Nhận thức không thể xóa bỏ mọi hậu quả trong các mối quan hệ hợp tác, diễn đàn chủ yếu đi vào phân tích những gì cần phải được tiếp tục thực hiện bằng mọi giá và những gì có thể bỏ qua mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục hai nước.

“Ảnh hưởng của Brexit đối với giáo dục của Anh và Liên minh châu Âu là điều không thể tránh khỏi vì vậy chúng ta cần phải thảo luận và chọn ra những khía cạnh mà hai nước tập trung thực hiện để nhẹ ảnh hưởng của Brexit và đành chấp nhận bỏ đi một số quyền lợi ích quan trọng hơn”, Cripps cho biết.

Theo đó ba khía cạnh được đại biểu đại diện giáo dục hai nước thống nhất chú trọng phát triển để có thể giữ được sự ổn định và đảm bảo tương lai của mối quan hệ hợp tác Anh – Pháp là xây dựng mô hình hợp tác linh hoạt, ứng dụng mô hình hợp tác toàn cầu hóa thường áp dụng với các quốc gia ngoài EU và tăng cường hợp tác nghiên cứu nhờ vào những chính sách hỗ trợ đặc quyền.

Với chủ trương này, giáo dục Anh sẽ cùng các đối tác hợp tác giáo dục của mình tại Liên minh châu Âu, mà trước tiên sẽ là Pháp, quốc gia có nhiều chương trình hợp tác quan trọng nhất hiện nay, xây dựng các kênh hợp tác xuyên biển bằng nhiều hình thức khác nhau không cần dựa trên những đặc quyền mà Liên minh châu Âu trao cho Anh như trước đây.

Việc tái xây dựng lại mối quan hệ hợp tác này được cho là sẽ mất nhiều thời gian, có thể là 2 năm, 5 năm hay thậm chí là 10 năm và cần sự nhún nhường của cả chính phủ hai nước để nới lỏng các chính sách chặt chẽ dành cho các dự án đầu tư nước ngoài.

“Brexit vẫn sẽ là Brexit và nó sẽ tạo ra những viễn cảnh mà không bên nào có được lợi ích hay quyền lợi. Thế nên chúng ta cần phải nỗ lực và tìm ra những hướng tiếp cận hợp tác mang tính sáng tạo hơn để không gặp những chướng ngại về tài chính, pháp luật”- Cripps giải thích.

Đứng trên phương diện của mình, các đại diện giáo dục Anh cũng cho biết rằng mặc dù Anh sẽ gặp một số rắc rối liên quan đến quyền lợi giáo dục quốc gia khi tiếp tục tham dự Horizon 2020 và Erasmus+ nhưng nó không đồng nghĩa rằng họ sẽ không nỗ lực để bảo vệ những mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với giáo dục Pháp cũng như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu khác.

“Chúng tôi không hề có ý định quay lưng lại với những đối tác thuộc Liên minh châu Âu nên vẫn sẽ cố gắng để bảo vệ những chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế, các chương trình trao đổi sinh viên và vẫn xem chúng là các giá trị hoạt động cốt lõi của chúng tôi” Janet Beer, Phó chủ tịch tổ chức đại diện các trường đại học Anh, phát biểu.

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đã được dự đoán sẽ chắc chắn diễn ra dù sớm hay muộn. Tuy nhiên những ảnh hưởng của sự kiện này lại nằm ngoài dự đoán của những chuyên gia kinh tế, xã hội hay kể cả những nhà giáo dục.

Việc một cường quốc giáo dục tách khỏi một khối liên minh đã gây ra nhiều xáo trộn cho những chương trình hợp tác, trao đổi, nhất là khi Anh là quốc gia chú trọng vào những dự án nghiên cứu xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không đồng nghĩa họ sẽ cắt đứt mọi mối quan hệ hợp tác với những quốc gia còn lại trong Liên minh mà ngược lại sẽ càng nỗ lực để bảo vệ những mối quan hệ hợp tác giáo dục vốn có lợi cho cả đôi bên.

“Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay thì các quốc gia luôn cố gắng để tiến đến việc quốc tế hóa mọi lĩnh vực và giáo dục tất nhiên không nằm ngoài xu hướng ấy. Có một sự thật hiển nhiên là Anh sẽ không quay lưng lại với những người bạn châu Âu và chúng ta cũng không được phép đứng yên chờ đợi mà phải chủ động tìm những cách tái thiết quan hệ hợp tác theo những hướng tiếp cận mới mẻ, sáng tạo”, Cripps phát biểu trong diễn đàn.

Theo University World News, The Guardian, France24, British Council, The Sun, British in France

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.