Các quan chức cấp cao của Anh đã kêu gọi chính phủ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, với lý do xuất hiện mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và các đồng minh của nước này như Triều Tiên và Iran.
Cựu quan chức đứng đầu lực lượng phòng thủ hạt nhân của Anh - ông Hamish de Bretton-Gordon đã bày tỏ lo ngại về khả năng London sẽ dễ bị tổn thương trước các thách thức hiện đại và có nguy cơ rơi vào tình trạng “mộng du” do việc cắt giảm chi tiêu quân sự khi chúng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ông de Bretton-Gordon đã chỉ trích các quyết định về ngân sách của chính phủ, bao gồm cả thông báo của Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves về việc bổ sung 2,9 tỷ bảng Anh cho quốc phòng mà không có mốc thời gian rõ ràng để thực hiện cam kết tăng chi tiêu.
Chính trị gia nói trên lưu ý rằng các biện pháp tài chính như vậy dường như là “không khí nóng” vì nguồn vốn được phân bổ không đủ để giải quyết những vấn đề chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở châu Âu và Trung Đông.
Quan chức này đặc biệt cảnh giác trước thông tin Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên để đổi lấy hỗ trợ quân sự. Theo ông de Bretton-Gordon, các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gần đây của Triều Tiên đã được thực hiện nhờ sự hỗ trợ trực tiếp từ phía Nga.
Người từng đứng đầu lực lượng phòng thủ hạt nhân của Anh nhấn mạnh rằng một năm trước Triều Tiên không thể phóng ICBM ở tầm xa hơn 1.000 km, nhưng giờ đây tên lửa đã đạt tầm bắn 7.000 km, điều này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về sự phát triển tiềm năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh đó, Cựu phó tư lệnh Không quân Hoàng gia cũng kêu gọi lực lượng này tái trang bị tên lửa hạt nhân chiến thuật như một biểu tượng của sức mạnh và là cách để răn đe Nga.
Hưởng ứng đề xuất trên, ông de Bretton-Gordon lưu ý rằng bước đi như vậy là cần thiết để thể hiện ý định nghiêm túc của Anh trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Đồng thời hiện nay chính quyền Anh vẫn hạn chế cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do họ viện trợ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga vì lo ngại xung đột leo thang.
Hạn chế này áp dụng cho việc sử dụng tên lửa Storm Shadow, theo ông de Bretton-Gordon, loại tên lửa này có thể hỗ trợ đáng kể cho Quân đội Ukraine. Tuy nhiên quyết định trên phản ánh quan điểm thận trọng của giới lãnh đạo Anh, tìm cách tránh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột toàn diện với Nga.
Ông De Bretton-Gordon bày tỏ lo ngại về việc nhiều chính trị gia Công Đảng tham gia vào việc đưa ra quyết định lại là những người thiếu kinh nghiệm về các vấn đề quân sự và chiến lược, điều mà ông cho rằng có thể hạn chế khả năng ứng phó thỏa đáng của London trước các mối đe dọa.