Thông báo từ cơ quan báo chí của Lữ đoàn 46 có đoạn: “Hôm qua, quân Nga đã thực hiện thêm hai nỗ lực tấn công bất thành theo hướng phòng thủ của hai tiểu đoàn đổ bộ đường không nằm trong đội hình lữ đoàn”.
Hai nhóm tấn công lần lượt cố gắng xông vào các vị trí được binh sĩ Ukraine bảo vệ. Nhóm đầu tiên bao gồm một xe tăng, 5 xe chiến đấu bộ binh (IFV) và 1 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka", trong khi nhóm thứ hai gồm có 1 chiếc xe tăng và 6 IFV.
Lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công với sự hỗ trợ của pháo binh và máy bay không người lái FPV.
Được biết, 8 phương tiện chiến đấu đã bị phá hủy do hỏa lực chính xác cao, bao gồm 1 xe tăng và 7 chiếc IFV. Sau khi bị thiệt hại nặng, 4 chiếc IFV, 1 xe tăng và tổ hợp Shilka buộc phải vội vã rút lui.
Lính dù Ukraine nói thêm: “Những người điều khiển máy bay không người lái sẽ kết liễu bộ binh đang chạy xung quanh, số phận không thể tránh khỏi đang chờ đợi họ trong cánh rừng và những nếp gấp của địa hình”.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là việc phối thuộc pháo phòng không Shilka cho mũi xung kích là một điều "mới lạ" trong chiến thuật tấn công của Quân đội Nga.
Vũ khí trên rõ ràng không được giao nhiệm vụ bảo vệ binh sĩ khỏi các cuộc không kích nếu chưa trải qua hiện đại hóa sâu và tốn kém, bởi nó không thể phát hiện một vật thể nhỏ và bay chậm như máy bay không người lái FPV hoặc loại quadcopter thường được sử dụng để thả lựu đạn hay đạn cối.
Tất nhiên có thể giả định rằng kíp chiến đấu của Shilka nhận nhiệm vụ đề phòng máy bay tiêm kích của Ukraine mang bom lượn tham chiến, nhưng cách giải thích này tỏ ra không mấy hợp lý.
Khả năng cao nhất đó là Shilka được sử dụng làm phương tiện yểm trợ hỏa lực, rất có thể vai trò chính của nó là trút cơn mưa đạn vào các vị trí phòng thủ của Ukraine nhằm mục đích trấn áp tinh thần và để binh sĩ Nga có thời gian triển khai đội hình cần thiết.