Tháo gỡ các “nút thắt” cản trở quá trình đổi mới
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, sự nghiệp GD-ĐT nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT được các tổ chức giáo dục thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được khẳng định trong khu vực và thế giới. Chất lượng giáo dục đại học đã được cải thiện một bước, được thế giới công nhận thông qua kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học quốc tế. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn...
Chia sẻ những nội dung trên, khi nói về ấn tượng trong 5 năm qua, bà Hồ Thị Minh - Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng không thể không nhắc đến sự ra đời của Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Có thể nói, lần đầu tiên, 2 năm liên tiếp trong một nhiệm kỳ, có 2 Luật quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được soạn thảo, thông qua và lần lượt đi vào cuộc sống; tháo gỡ được các “nút thắt” cản trở quá trình đổi mới; tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo bà Hồ Thị Minh, cũng là điểm nhấn nổi bật. Lại thêm một lần đầu tiên khi chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Bộ GD&ĐT cho biết, Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung hiện hành; bảo đảm nội dung giáo dục tinh giản, thiết thực, gắn với thực tiễn, tập trung đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Hiện nay, chương trình đã được triển khai với lớp 1 và chuẩn bị triển khai ở lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, với các bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã được phê duyệt, ban đầu có thể nhận định chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thành công bước đầu.
5 năm qua cũng ghi dấu ấn với sự ngày càng hoàn thiện của Kỳ thi THPT quốc gia, và từ năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Rõ ràng, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, khắc phục tình trạng học lệnh, học tủ. Đặc biệt, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
“Nói đến dịch Covid-19, một trong những điều khiến tôi ấn tượng chính là những gì ngành Giáo dục đã làm được trong hơn 1 năm vừa qua, khi mà dịch bệnh ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong hoàn cảnh đó, ngành Giáo dục vẫn hoàn thành kế hoạch năm học; đồng thời bảo đảm an toàn cho cho gần 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Có thể nói, đó là một thành quả tuyệt vời.” – bà Hồ Thị Minh chia sẻ.
Quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lan tỏa mạnh mẽ
Kế thừa và phát huy tốt những ưu điểm của giai đoạn trước, trong 5 năm qua (2016-2020) giáo dục - đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu rất nổi bật và đáng tự hào, được Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích, nhân dân đồng tình và ủng hộ cao.
Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, đề cập 4 thành tựu giáo dục nổi bật nhất.
Theo đó, thành tựu đầu tiên là tinh thần quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo đã được lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Giáo dục - đào tạo đã thật sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng và của toàn dân, người người quan tâm giáo dục, nhà nhà ủng hộ giáo dục. Chính vì thế, việc xã hội đặt ra các yêu cầu cao, những đòi hỏi khó làt tất yếu. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là vinh dự lớn cho ngành Giáo dục.
Thành tựu lớn thứ 2 là kết quả các kỳ thi quốc tế. Kỳ thi PISA (đánh giá kết quả giáo dục đại trà) đạt kết quả cao dần trong 3 lần thi 2012, 2015 và 2018. Kỳ thi Olympic quốc tế (đánh giá kết quả giáo dục mũi nhọn) liên tục đạt thứ hạng rất cao.
Trong đó nổi bật năm 2017 được ví như “mùa vàng của các đội tuyển Việt Nam” (Hóa học xếp hạng 2/76, Toán học xếp hạng 3/112, Vật lý 5/86). Đặc biệt, năm 2020, tất cả 4 học sinh dự môn Hóa học đều đạt Huy chương vàng. Thành tích ổn định ở mức cao trong nhiều năm liên tục là minh chứng tất yếu cho quá trình đầu tư công phu và hiệu quả của giáo dục Việt Nam; khiến các nước có nền giáo dục rất tốt cũng phải ngưỡng mộ.
Cũng phải kể đến kết quả tích cực khi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo bài bản, đáp ứng tốt yêu cầu về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng để đảm đương tốt nhiệm vụ then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Cuối cùng là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học,…” - đang đáp ứng nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Đảng và sự kỳ vọng của nhân dân.
“Tại Đại hội 13, Đảng ta đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó nội dung thứ 2 “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, có liên quan trực tiếp và toàn diện đến giáo dục - đào tạo. Đại hội 13 đã giao cho ngành Giáo dục một trách nhiệm rất lớn nhưng đầy vẻ vang. Lần đầu tiên, một loạt các yêu cầu cao, yêu cầu nghiêm túc về việc phát triển nguồn nhân lực được đặt ra mạnh mẽ như thế.
Nhưng để làm tốt điều này, trước nhất ngành Giáo dục cần tập trung tối đa cho nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi chỉ những người có năng lực cao mới đảm đương được nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Và cùng lúc, thực hiện đồng bộ thêm nhiều giải pháp khác nữa, nhưng giải pháp “con người” phải được ưu tiên số một, bởi “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” – ông Nguyễn Văn Định nêu quan điểm.