Đổi mới giáo dục là một quá trình và liên tục
Bất kỳ một sự đổi mới nào cũng có những khó khăn bước đầu. Bởi vậy những người trực tiếp tham gia quá trình đổi mới đó, cần phải thấu hiểu được những ý tưởng mới và phải nghiên cứu tác động của những đổi mới; trong đó cần dự báo được những thách thức và những khó khăn phải vượt qua để chúng ta thực hiện có hiệu quả những ý tưởng đổi mới. Vì thế, chúng ta vừa phải khẩn trương, nhưng đồng thời cũng không nóng vội.
Nhấn mạnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, GS.TS Đinh Quang Báo chia sẻ, điểm mới nổi bật nhất và cũng là chi phối những điểm mới khác là: Chương trình được xây dựng theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Khi nói mới thì phải so sánh với cái cũ.
Chương trình giáo dục phổ thông 2006, cũng có định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tuy nhiên, những biểu hiện về phát triển, phẩm chất, năng lực chưa thật rõ. Cho nên vẫn nặng về cung cấp kiến thức. Vì thế người ta gọi là tiếp cận nội dung, được thể hiện bởi chương trình là một bản phác thảo về nội dung, quy định những nội dung kiến thức mà thầy – trò phải dạy và học.
Từ đó, mục tiêu cũng hướng tới cung cấp cho học sinh một khối lượng kiến thức nhất định. Khi kiểm tra đánh giá, cũng chủ yếu đánh giá mức độ đạt được kiến thức môn học.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực nên mục tiêu chương trình được xác định bởi một hệ thống phát triển phẩm chất và năng lực, đó là các phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Và 3 nhóm năng lực: Tự chủ - tự học; giải quyết vấn đề - sáng tạo; giao tiếp – hợp tác.
Từ các phẩm chất, năng lực đó mới xác định nội dung giáo dục, phương pháp hình thức giáo dục, kiểm tra đánh giá. Như vậy, logic phát triển chương trình đó gọi là phát triển theo sơ đồ ngược.
“Tóm lại, chương trình tiếp cận nội dụng với mục tiêu dạy học biết cái gì? Còn chương trình tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực là dạy học biết làm gì? Đó là “hạt nhân” về sự khác biệt giữa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với Chương trình giáo dục phổ thông 20006”- GS.TS Đinh Quang Báo nói.
Đổi mới nào cũng phải vượt qua khó khăn, thách thức
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, bất kỳ đổi mới nào cũng phải vượt qua những thách thức và khó khăn. Phải xem đó là quy luật tự nhiên. Khi đã là quy luật tự nhiên thì mọi người phải phấn đấu nhưng không nên đặt họ vào trạng thái bị áp lực về tâm lý.
‘Muốn vậy, trước hết giáo viên phải được tạo điều kiện để tự chủ về chuyên môn, không bị đè nặng những áp lực về quản lý hành chính. Và tự chủ sáng tạo là kinh nghiệm thành công của Phần Lan.
Giáo viên phải được tạo điều kiện để có môi trường phát triển nghề nghiệp trong tập thể sư phạm nhà trường. Đương nhiên cũng cần có động viên về tinh thần, vật chất. Kinh nghiệm các nước thành công trong giáo dục là mọi yếu tố ưu tiên được giành cho giáo viên” - GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học.
Theo đó, để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất thì nguyên tắc đầu tiên là giáo viên dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, giáo viên phải dạy học phù hợp theo từng đối tượng học sinh;
Thứ hai, dạy học biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Vừa qua, học sinh ở nhiều trường phổ thông được giao đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp như: nghiên cứu xử lý rác thải… và tham gia các hoạt động giáo dục STEM.
Thứ ba, để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý thì trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên không nên tạo ra áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau…