Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã trao đổi với báo Giaó dục và Thời đại, đưa ra những vận dụng linh hoạt theo điều kiện từng vùng miền; những chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ các cấp quản lý giáo dục, phối hợp với các cấp, ngành và cha mẹ học sinh đảm bảo an toàn cho học sinh ngoài nhà trường, tạo thuận lợi trong việc đi lại đến các điểm trường, lớp học.
Ông Phan Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: Thuê thuyền lớn chở học sinh đi học
Tại Đắk Lắk, năm học 2013 - 2014, ngành GD&ĐT đã đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học, các phòng chức năng và các công trình khác với tổng kinh phí trên 130,9 tỷ đồng.
Đã có nhiều sáng kiến để giúp giáo viên và học sinh đến trường an toàn.
Tại Krông Ana, Phòng GD&ĐT đã đứng ra hợp đồng với một chủ đò chuyên nghiệp, có thuyền máy lớn, có đầy đủ điều kiện chuyên chở khách đường thủy nội địa để thực hiện ý tưởng này.
Cùng với 5 triệu đồng hỗ trợ ban đầu để chủ đò tu sửa lại phương tiện theo tiêu chuẩn quy định, mỗi tháng, phòng GD&ĐT còn trả cho người lái đò 2 triệu đồng trong 10 tháng/năm và 40 triệu đồng kinh phí nhiên liệu trong suốt quá trình phục vụ.
Như vậy, với 65 triệu đồng, phòng GD&ĐT huyện đã giải quyết được việc dạy và học của giáo viên và học sinh nơi đây, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu: Nhắc nhở học sinh mặc áo phao khi vượt sông, suối
Ngành GD&ĐT Lai Châu đã rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường như việc tuyên truyền, hướng dẫn Luật giao thông đường bộ, đường thủy trong các nhà trường.
Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động ngoại khóa.
Đặc biệt lưu ý tới toàn thể học sinh khi tham gia giao thông trên cầu treo, không chen lấn, xô đẩy, không tụ tập đông người để đảm bảo an toàn tính mạng, qua đó góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kết hợp với gia đình giáo dục học sinh mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Xây dựng cổng trường ATGT
Việc đảm bảo an toàn giao thông cho đội ngũ giáo viên, học sinh khi đến lớp là việc làm vô cùng quan trọng.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện an toàn giao thông, văn hóa giao thông và an toàn giao thông học đường.
Quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về việc đội mũ bảo hiểm và việc tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông.
Ngành GD-ĐT và các nhà trường đã đồng loạt triển khai họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền và cam kết việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
Giấy cam kết được làm thành hai bản, một bản nhà trường giữ, một bản giao cho các em học sinh giữ và giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, kiểm tra giấy cam kết của học sinh hàng tuần vào giờ sinh hoạt lớp.
100% trường học tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở khu vực cổng trường vào đầu giờ học và giờ tan học, với việc xây dựng mô hình cổng trường an toàn, thân thiện.
Đường tới trường |
Ông Trần Quốc - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Bông (Đắk Lắk): Sắp xếp điểm trường để học sinh không phải đi học xa
Năm học này đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại huyện Krông Bông. Phòng GD&ĐT với đơn vị trường kiểm tra thực tế, xếp lại các điểm trường phù hợp nên khoảng 100 học sinh không phải qua sông, đò vượt 10km đi học như trước.
Không chỉ bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Đắk Lắk cũng tích cực vận động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục. 10 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cũng đã đầu tư thêm cho cơ sở vật chất, phục vụ năm học.
Cùng với bậc học phổ thông, các bậc học khác ở huyện Krông Bông cũng được đầu tư để khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Chỉ riêng trong dịp hè vừa qua, huyện Krông Bông đã xây dựng mới 12 phòng học tại các điểm trường tiểu học vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện hiện chỉ còn 2 phòng học tạm tại điểm trường tiểu học thôn Yang Hanh, xã Chư Đrăm.
Ông Bế Mạnh Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Giáo dục kĩ năng bơi lội cho học sinh
Nhiều năm nay, trên những chiếc mảng tre dập dềnh, mục nát, người dân và trẻ em của thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vẫn phải tự mình vượt sông đến trường.
Với khoảng 65 hộ với 315 nhân khẩu nhưng có tới gần 40 hộ nghèo. Việc đi lại giao thương bằng cách duy nhất là vượt con sông Kỳ Cùng hung dữ, có độ dốc cao, nước chảy xiết vào mùa mưa. Hai bờ sông này rộng hơn 100m và thường xuất hiện những xoáy nước nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Trong lúc chờ những cây cầu được xây dựng, Phòng GD&ĐT Cao Lộc đã rất chú trọng đến việc an toàn cho học sinh khi đến trường và mở những lớp học bơi cho học sinh trong những giờ học ngoại khóa. Hiện nay, đa phần học sinh đều được học bơi và có kĩ năng bơi tương đối thuần thục.
Phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo Tăng cường triển khai công tác giáo dục kiến thức ATGT cho học sinh, thực hiện các biện pháp quản lý học sinh về giữ gìn trật tự ATGT.