Góp sức cho đường tới trường an toàn, thuận lợi

GD&TĐ - Sự chung tay của toàn xã hội, của các cấp, ngành sẽ giải quyết triệt để những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng trên đường đến trường của thầy trò nhiều tỉnh thành nước ta hiện nay. 

HS Đồng Tháp mặc áo phao đến trường
HS Đồng Tháp mặc áo phao đến trường

Nhận thức đúng từ mỗi giáo viên, học sinh

Chủ trương của Bộ GD&ĐT là triển khai ngay những công việc mà ngành GD&ĐT có thể làm được để đảm bảo an toàn nhất, thuận lợi nhất cho học sinh, cha mẹ học sinh và các giáo viên trên đường tới trường - lớp học.

Ông Phạm Ngọc Phương

Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT   

Câu chuyện giáo viên, học trò ở Na Hỳ (Điện Biên) vượt lũ đến trường bằng ... túi nilon, bên cạnh sự cảm thông, khâm phục, không ít người cho rằng, đó là cách làm quá nguy hiểm. Và trong trường hợp này, các thầy cô trước hết phải là người biết tự bảo vệ lấy mình.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cũng với tâm trạng này - cho biết: Các cô giáo quả thực rất yêu nghề và quyết tâm cao, nhưng ngược lại, cách đến trường như vậy vô cùng nguy hiểm.

Ông Quý trăn trở: Điện Biên có đặc thù địa hình bị chia cắt bởi nhiều sống suối, địa hình hiểm trở, phân tán. Tại xã Na Hỳ, muốn đến điểm trường, giáo viên và học sinh phải qua mấy con suối.

Trong khi đó, đặc thù vùng cao, cứ mưa là lũ, nước rất đục và chảy siết, nhưng hết mưa nước cũng cạn rất nhanh. Trong thời gian mưa lũ, kể cả biết bơi cũng không thể khuyến khích học sinh bơi qua đó vì rất nguy hiểm.

Bởi vậy, để khắc phục tình trạng đó chỉ còn một cách xây cầu. UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc này. Rất nhiều cây cầu đã được xây dựng nhưng do địa hình quá nhiều sông suối nên đến nay vẫn chưa phủ hết được. “Việc làm cầu quả thật nằm ngoài khả năng của ngành Giáo dục” – ông Quý cho hay.

Chị Hoàng Thị Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô - ngôi trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn - Yên Bái cho biết, để đến trường mùa lũ, các giáo viên nơi đây vẫn phải băng suối dữ; tuy nhiên, không thể bất chấp mọi hiểm nguy một cách không tính toán.

“Ở đây, việc giáo dục kỹ năng của học sinh trước nguy hiểm, thiên tai được làm thường xuyên. Phòng GD&ĐT cũng có công văn hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề này. Riêng trường Tiểu học và THCS Sùng Đô, Ban Giám hiệu và giáo viên luôn nhắc nhở học sinh cẩn trọng khi đến trường mùa lũ, nên có cha mẹ đưa đi để đảm bảo an toàn; không có người đưa sang tuyệt đối không tự mình qua suối.” - chị Thuận cho hay.

Sự phối hợp, hỗ trợ của cộng đồng tạo an toàn đường đến trường 

Ngành Giáo dục nếu có đứng ra xây trường học thì cũng chỉ được xây trên đất do địa phương quy hoạch. Còn đường đi đến trường, cầu qua sông qua suối, đảm bảo cho học sinh đi từ nhà đến trường... dù luôn sát sao quan tâm theo dõi, nhưng thật sự ngoài tầm tay với của Ngành. 

Ông Hồ Văn Thống 

Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Nằm giữa vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, hàng năm mùa lũ kéo dài 5 - 6 tháng nên việc đảm bảo an toàn cho thầy trò và duy trì hoạt động dạy và học trong mùa lũ được chính quyền, cộng đồng và ngành Giáo dục Đồng Tháp quan tâm đặc biệt.

Cũng bởi vậy mà ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp rất chia sẻ với những khó khăn mà nhiều địa phương trên cả nước hiện đang phải đối mặt, cũng như rất nhiều nỗ lực của Ngành để giáo viên và học sinh không phải đánh đu với tử thần để đến trường học.

Ông Thống đồng tình với nhận định bản thân giáo viên và học sinh cần nâng cao nhận thức và có được những kỹ năng cơ bản trong việc phòng chống và hạn chế tác hại của nguy hiểm trên đường đến trường. 

Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Thống cho rằng những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trên đường đến trường của thầy trò trên nhiều tỉnh thành nước ta hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng dân cư, của toàn xã hội, không phải chỉ của riêng ngành Giáo dục. Thêm vào đó, cộng đồng dân cư và chính cha mẹ học sinh cũng có phần trách nhiệm đối với an toàn của con em khi đến trường...

Đối với Đồng Tháp, bởi tính chất địa lý đặc thù nên mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý: Cự ly phù hợp giữa các cụm dân cư với bán kính không quá 1,5 km với cấp Mầm non và Tiểu học. Trường học được xây dựng trong đê bao bảo vệ; thuận tiện về giao thông và an toàn cho học sinh đến trường.

Đối với các địa bàn vùng sâu, rốn lũ... trong mùa lũ nếu nước ngập đường đi, không thể đi bằng đường bộ thì việc đưa giáo viên đi dạy, học sinh đi học và về nhà được cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân và nhà trường phối hợp thực hiện chặt chẽ.

“Đảng, chính quyền vận động dân cho mượn phương tiện (ghe, xuồng), đóng góp nhiên liệu; các đoàn thể cử người điều khiển phương tiện đưa đón các em đến trường hàng ngày. Trên các ngã ba, ngã tư sông còn có các đội xung kích vừa phòng, chống lũ cho địa phương, vừa hỗ trợ đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh đến trường. 

Thêm vào đó, được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm nên hầu hết học sinh được trang bị cặp phao, áo phao nên độ an toàn được nâng lên” – ông Hồ Văn Thống cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ