Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Chủ trương của Bộ GD&ĐT là triển khai ngay những công việc mà ngành GD&ĐT có thể làm được để đảm bảo thuận lợi nhất, an toàn nhất cho học sinh, cha mẹ học sinh và các giáo viên trên đường tới trường - lớp học.
Theo đó, công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn Ngành được đặt lên hàng đầu: Tuyên truyền đến các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh nhận biết và phòng tránh nguy hiểm, rủi ro đến tính mạng, không để xảy ra những vụ việc nguy hiểm như ngồi trong túi vượt suối hay đu dây để qua sông.
Song song với công tác tuyên truyền, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, UBND các tỉnh/ thành phố tổng rà soát các vùng khó khăn, trường học, điểm trường, lớp học lẻ…, tính toán để tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên trong đi lại. Đặc biệt chú ý điều chỉnh thời gian học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Trên cơ sở các rà soát thực tế, có những giải pháp, phương án chủ động khắc phục; có thể tính toán xây dựng các điểm trường, lồng ghép các trường học, điều chỉnh thời khóa biểu, nếu lũ, mưa cần chủ động cho học sinh nghỉ học, học bù vào thời gian khác...
Cùng đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan, UBND các tỉnh/ thành phố, các Sở GD&ĐT... để có những giải pháp, dần dần khắc phục tình trạng điểm trường, trường học, lớp học không có đường giao thông thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên đến trường.
Quan điểm của Bộ là làm quyết liệt, khẩn trương, triển khai nghiêm túc trong toàn Ngành, đặt sự an toàn tính mạng, thuận lợi trong việc đến trường, lớp học của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên lên hàng đầu - Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương khẳng định.