Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến ngày 20/10, tại miền Trung và Tây Nguyên có 133 người chết và mất tích; 371 ha lúa, 6.989 ha hoa màu bị ngập, hư hại; hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Nhiều người dân dầm mình trong lũ chỉ mong giữ và cứu được chút tài sản nhưng rồi cũng mất trắng theo dòng nước bạc. Đến cái ăn bình thường mỗi ngày cũng trở nên xa xôi khi không ít người bị lũ dữ cô lập trên nóc nhà, đói khát trong gió rét…
Lũ chồng lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh sinh viên miền Trung. Hoạt động giảng dạy, học tập bị gián đoạn, đời sống của nhiều cán bộ, nhà giáo, người lao động gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, trước cơn nguy nan, khẩn cấp của cộng đồng, nhiều trường học, thầy cô tại vùng tâm lũ vẫn gác lại cảnh riêng, xắn tay tham gia giúp đỡ người dân bị nạn.
Ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… nhiều trường học có cơ sở vật chất kiên cố, lầu hóa trở thành nhà tránh lũ cho dân. Cùng với lực lượng chức năng, thầy cô ở các trường đã chia sẻ từng tấm chăn, bữa cơm, li nước, chỗ ngủ với người bị nạn. Trường Mầm non Lê Duẩn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là một trong những điểm như thế. Nhờ được xây dựng kiên cố, tầng 2 trường trở thành điểm tránh lũ cho hơn 100 dân trong vùng. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường đã cùng giáo viên chủ động đưa bếp gas, bình nước sạch, gạo ăn phục vụ bán trú, thực phẩm, thuốc men dự phòng của học sinh phục vụ dân. Tranh thủ điểm trường cao, các cô giáo Trường Mầm non Lộc Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) cũng dùng bếp gas của trường nấu hàng trăm suất cơm ủng hộ người dân đang ngâm mình trong lũ…
Ở Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị), không chỉ chia sẻ với đồng nghiệp cùng trường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các thầy cô giáo của trường còn chuẩn bị 400 suất cơm trao tận tay cho người dân vũng lũ xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong). Tới đây thầy cô còn tổ chức vận động để giúp đỡ học sinh vùng lũ. Trước đó cán bộ, giáo viên Trường THPT Hải Lăng (Quảng Trị) cũng phối hợp với các tổ chức thiện nguyện liên tục tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con ở vùng ngập sâu trên địa bàn. Những ngày nước mới lên, thầy cô chủ yếu chuẩn bị mì tôm, sau đó là cơm hộp cho bà con. Khi nước rút dần, đoàn chuyển qua các nhu yếu phẩm khác như gạo, dầu ăn, muối, đường…
Nỗ lực giúp dân bị nạn, tấm lòng thầy cô vùng tâm lũ những ngày qua thật đáng quý, trở thành bài học sống động về trách nhiệm với cộng đồng cho học sinh trong tình cảnh nguy nan. Tinh thần sẻ chia là vô hạn nhưng nguồn lực của các trường học, các thầy cô vẫn còn quá hạn chế, nhất là trong cảnh chính thầy cô nói riêng, giáo dục miền Trung nói chung cũng là nạn nhân của bão lũ. Mới đây, sau những nỗ lực gắng gượng cuối cùng để giúp cho hơn 100 người dân tránh lũ trên tầng 2 của nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã phải lên mạng cầu cứu giúp đỡ…
Hết lòng vì dân trong những ngày khẩn cấp, rồi tới đây, song song với việc thu vén khó khăn riêng, thầy cô vùng thiên tai tiếp tục vào cuộc dọn dẹp, tái thiết lại trường lớp học, khắc phục thiếu thốn sách vở, trang thiết bị, vận động học sinh trở lại trường... Ngổn ngang bao khó khăn đang chờ người thầy ở phía trước. Chia sẻ khó khăn này, những ngày qua nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước đã và đang vào cuộc hỗ trợ giáo dục miền Trung. Hi vọng sự chung tay ủng hộ của cộng đồng sẽ tiếp thêm nguồn lực, sức mạnh để trường học và thầy cô, học sinh vùng tâm lũ nhanh chóng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống và dạy học.