Ấm lòng làng thủ ngữ

GD&TĐ - Trong làng Bengkala ở Indonesia, cứ 50 trẻ em chào đời thì có 1 bé bị điếc bẩm sinh.

Trong làng Bengkala, người bị điếc hay không bị điếc cũng nói chuyện bằng thủ ngữ. Ảnh: Bbc.com
Trong làng Bengkala, người bị điếc hay không bị điếc cũng nói chuyện bằng thủ ngữ. Ảnh: Bbc.com

Chuyện này đã xảy ra trong ít nhất 7 thế hệ liên tiếp và vì thế, người dân tự sáng tạo ra ngôn ngữ giao tiếp riêng - Kata Kolok (tiếng điếc).

“Tiếng… điếc”

Bengkala nằm ở Bắc Bali, là ngôi làng nhỏ và nghèo. Một thế kỷ trở lại đây, tỷ lệ trẻ em vừa chào đời đã bị điếc nặng luôn chiếm khoảng 2%. Theo dữ liệu thống kê năm 2008, Bengkala có 2.450 cư dân, trong đó có 46 người khiếm thính nặng. Năm 2011, cả làng có tổng cộng 1.200 người khiếm thính (đa phần chỉ bị điếc nhẹ).

Người làng Bengkala gọi các cư dân bị khiếm thính nặng là kolok, còn cư dân không hoặc chỉ bị khiếm thính nhẹ là inget. Hiện, Bengkala có 44 kolok và khoảng 3 nghìn inget. Song, cho dù là kolok hay inget, mọi người đều giao tiếp bằng Kata Kolok.

Kata Kolok là thủ ngữ của riêng Bengkala, được sáng tạo và vẫn đang phát triển bởi chính các cư dân trong làng. Nó không hề bắt nguồn, phụ thuộc vào tiếng Bali (ngôn ngữ chính trên đảo Bali) hay bất cứ ngôn ngữ nào khác trên Trái đất.

Đặc trưng của Kata Kolok là các tín hiệu và tập hợp các tín hiệu cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… Theo đánh giá của các nhà quan sát, nó diễn cảm và phức tạp hơn tiếng Bali. Dù vậy, Kata Kolok vẫn rất dễ hiểu, đến mức ngay cả người mới bắt đầu cũng có thể đoán trúng. Ví dụ, khi một người dùng bàn tay vuốt cổ thì có nghĩa là đang khát nước.

Tính đến nay, Kata Kolok đã được khoảng 5 thế hệ người dân ở Bengkala liên tục sử dụng và phát triển. Nhà sáng tạo của Kata Kolok là những cư dân yêu thích nói chuyện và giàu trí tưởng tượng. Nhờ chăm chỉ tích lũy, người làng Bengkala biến Kata Kolok thành ngôn ngữ chính. Với “tiếng điếc” này, họ thoải mái giao tiếp không giới hạn.

Nhiều nam lao động ở Bengkala là các chuyên gia đào mộ số 1. Ảnh: Bbc.com

Nhiều nam lao động ở Bengkala là các chuyên gia đào mộ số 1. Ảnh: Bbc.com

Lớp học vô thanh

Ngày nay, dù ở bất cứ chỗ nào trong làng Bengkala, bạn cũng có thể gặp các nhóm nói chuyện với nhau bằng tiếng điếc. Ngay cả giáo viên và học sinh trong trường làng cũng giao tiếp bằng Kata Kolok.

“Cháu có tên bằng tiếng điếc và thành thạo thủ ngữ này từ khi còn rất nhỏ”, Kolok Subentar, thiếu niên kolok trong làng Bengkala cho biết. “Ngôn ngữ đầu tiên mà một trẻ em sinh ra ở Bengkala được học chính là tiếng điếc, bất kể cha mẹ có bị khiếm thính hay không”, Kolok Getar, lão niên trong làng Bengkala xác nhận.

Trước năm 2007, trẻ em kolok ở Bengkala muốn đi học phải đến trường đặc biệt dành cho người khiếm thính ở Singaraja. Ngôi trường này cách Bengkala hơn 1 giờ đi bằng phương tiện giao thông công cộng, tốn 18 nghìn rupiah chi phí để đi và về.

Vì kinh tế của Bengkala khá nghèo nên nhiều phụ huynh không cáng đáng nổi. Mặc dù, họ có lựa chọn khác là cho con trọ học, nhưng giá phòng trọ đắt tới 100 nghìn rupiah. Kết quả, phần lớn trẻ em kolok phải bỏ học.

Sau năm 2007, trường tiểu học địa phương trong làng chuyển đổi thành trường hòa nhập, nhận cả trẻ em inget lẫn trẻ em kolok. Chính quyền Bengkala cũng miễn học phí cho trẻ em kolok, nên ngay cả những thiếu niên cũng háo hức vào lớp 1.

“Cháu đi học vào buổi sáng, chiều về thì đi đốn gỗ, bán cho bên xây dựng. Ngày thuận lợi, cháu kiếm được tới 25 nghìn rupiah. Cháu thường đưa hết tiền cho mẹ. Mẹ cháu cũng là kolok. Mẹ con cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng điếc. Vì không được đi học, mẹ cháu không biết tên tiếng Indonesia của mình”, Subentar nói.

Thiếu niên khiếm thính Kolok Subentar hạnh phúc vì được đi học ngay trong làng. Ảnh: Wayang.net

Thiếu niên khiếm thính Kolok Subentar hạnh phúc vì được đi học ngay trong làng. Ảnh: Wayang.net

Ban đầu, các giáo viên chưa thành thạo tiếng điếc và lớp học cũng phân chia lớp inget, lớp kolok. “Chúng cháu thích học chung với nhau vì chúng cháu đều hiểu tiếng điếc”, Subentar nhớ lại.

Theo nguyện vọng của các em, trường học đã sáp nhập lớp inget với lớp kolok. Các giáo viên cũng chăm chỉ luyện tập tiếng điếc, áp dụng vào giảng dạy. Nhờ vậy mà bây giờ, họ giảng bài bằng thủ ngữ Kata Kolok hết sức nhuần nhuyễn.

Hiện, trong trường địa phương của làng Bengkala có 5 học sinh kolok. Các em đều được các giáo viên chú trọng dạy thêm và tiếp thu bài học rất tốt. Thứ Bảy, các học sinh kolok có lớp riêng, học chuyển đổi thủ ngữ Kata Kolok sang thủ ngữ Indonesia.

Mặc dù là buổi ngoại khóa dành riêng cho học sinh kolok, nhưng đa phần người tham dự lại là chính giáo viên (cải thiện khả năng tiếng điếc) và các em inget (học chung cho vui).

“Tôi thấy, trẻ em kolok làng Bengkala đi học ngay trong Bengkala là tốt nhất. Tiếng điếc của chúng tôi khác biệt hoàn toàn với ngôn ngữ ký hiệu của Indonesia, cái được giảng dạy trong trường đặc biệt ở Singaraja”, ông Getar chia sẻ.

Thiên đường của người khiếm thính

“Đối với trẻ em sinh ra đã bị điếc thì làng Bengkala chính là thiên đường để sinh sống, học tập và trưởng thành”, người phát ngôn của làng Bengkala tự hào. “Bây giờ, cháu đang học lớp 3 tiểu học. Sau khi tốt nghiệp, cháu muốn tiếp tục lên trung học cơ sở. Chỉ là, trong làng cháu chưa có trường cấp II. Nếu muốn học tiếp, cháu bắt buộc phải đến Singaraja và điều này khiến cháu khá là lo lắng”, Subentar tâm sự.

Ước mơ của Subentar là trở thành hướng dẫn viên du lịch kiêm lái xe. Cậu muốn kiếm thu nhập bằng cách đưa đón khách tham quan quanh Bali. Tại làng Bengkala, cư dân kolok và enget được trả lương ngang nhau. Công việc thường thấy ở đây là làm nông nghiệp, bảo vệ và đào mộ.

Người Bali tín niệm, chết là chuyển sang thế giới thứ hai sống hạnh phúc hơn. Vì thế, đám ma của họ là sự kiện đưa tiễn vui vẻ, đầy náo nhiệt với nhiều trò giải trí. Họ cũng tin, người kolok có thể nói chuyện với những ám hồn xấu xa trong nghĩa địa và xua đuổi chúng, nên rất thích thuê người lao động ở làng Bengkala.

Mỗi lần được thuê, nhóm đào mộ của làng Bengkala lại tất bật lên đường. Một số người còn được đặc biệt tín nhiệm, tôn kính ở cả trong lẫn ngoài làng vì kỹ năng cuốc thuổng và tính tình hoạt bát hơn người.

Theo bbc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.