Chuẩn bị nguồn nhân lực cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 24/4, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học về “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam".

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Đây là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị tốt cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như: phát triển khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chuẩn bị nguồn lực

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, Chính phủ đã khởi động Chương trình điện hạt nhân - một trong những chiến lược quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm trong lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhằm đồng hành phát triển năng lượng điện hạt nhân cùng đất nước.

hatnhan.jpg
PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ghi nhận và đánh giá cao vai trò chủ động của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà lưu ý, nhà trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật phức tạp; đặc biệt là các công trình đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và độ chính xác cao như nhà máy điện hạt nhân.

Theo Thứ trưởng, điện hạt nhân là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.

Nhà máy điện hạt nhân là công trình đặc biệt, không chỉ ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội; mức độ phức tạp, tốn kém trong xây lắp mà còn yêu cầu đặc biệt về an toàn trong khai thác vận hành.

Bên cạnh hạng mục lò hạt nhân và thiết bị phụ trợ được ví như trái tim của nhà máy, chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí, thường do các hãng cung cấp công nghệ nổi tiếng trên thế giới đảm nhận; hạng mục về xây dựng kết cấu công trình chịu phóng xạ và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ cũng rất quan trọng và chiếm khoảng 35-45% tổng chi phí.

hatnhanjpg4.jpg
Thứ trưởng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội thảo.

Nhìn chung các hạng mục của ngành xây dựng có tiềm năng lớn trong việc tiến tới tự chủ, nội địa hóa sử dụng nguồn lực con người và vật liệu trong nước nếu được sự quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyển giao.

Đánh giá cao công tác tổ chức và chất lượng Hội thảo, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã sớm chủ động tham gia đồng hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

“Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn, đề nghị các bên liên quan cùng nhau tháo gỡ, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ để về đích công trình theo kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ”- TS Tạ Đình Thi nhấn mạnh..

hatnhanjpg1jpg1.jpg
Chuyên gia, nhà nhà khoa phát biểu thảo luận tại hội thảo.

Giải “cơn khát” về nhân lực

Chia sẻ về sự cần thiết của chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình đặc biệt, PGS.TS Phạm Thái Hoàn - Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho hay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sạch và ổn định đang gia tăng.

Xu hướng điện hạt nhân là một trong những giải pháp tiềm năng giúp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 (COP26). Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào sân chơi điện hạt nhân bởi vai trò của nó trong các trung tâm dữ liệu và AI…

“Nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam” - PGS.TS Phạm Thái Hoàn nhìn nhận.

Theo PGS.TS Phạm Thái Hoàn, vai trò của kỹ sư xây dựng trong dự án nhà máy điện hạt nhân vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực này góp phần thiết kế và xây dựng các công trình chuyên biệt; ứng dụng vật liệu và công nghệ thi công đặc thù; triển khai các công nghệ thi công tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố và bảo trì công trình liên quan đến kết cấu hoặc nền móng trong suốt vòng đời dự án;... Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cần thiết và phù hợp.

hatnhanjpg3.jpg
Đoàn chủ Tọa hội thảo chia sẻ, giải đáp các ý kiến thảo luận tại hội thảo.

Bởi lẽ, cơ sở giáo dục có truyền thống đào tạo ngành xây dựng uy tín, chất lượng; có đội ngũ chuyên gia, giảng viên mạnh trong các lĩnh vực kết cấu, thi công, địa kỹ thuật; liên kết hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu; có thông tin về việc chuẩn bị triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Việc xây dựng các chương trình đào tạo Kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình đặc biệt có mục tiêu nhằm bổ sung nhanh kiến thức chuyên sâu cho kỹ sư và cán bộ kỹ thuật hiện hành; kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhu cầu xã hội; đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các dự án trọng điểm, có yêu cầu kỹ thuật cao; và tạo nguồn chuyên gia dự phòng, bổ sung cho lực lượng kỹ sư nòng cốt cho đất nước.

Định hướng xây dựng khung chương trình đào tạo Kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt bao gồm 60 tín chỉ kiến thức chuyên sâu, đặc thù với thời gian đào tạo là 1,5 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng và 2 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành khác cần bổ sung một số học phần chuyển đổi.

hatnhanjpg2.jpg
TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều tham luận từ các đơn vị chức năng, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học cũng được trình bày, tập trung vào các vấn đề then chốt về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam như: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và một số nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; Xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Liên bang Nga; Nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề môi trường; Chiến lược định hướng điện hạt nhân tại Pháp và Châu Âu & Khả năng đóng góp về đào tạo nhân lực hạt nhân..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ