Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị các nước phương Tây xâm lược, Thư ký Hội đồng An ninh Nga - Đại tướng Sergei Shoigu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các sửa đổi đối với Nguyên tắc cơ bản trong Chính sách nhà nước của Liên bang Nga đối với lĩnh vực răn đe hạt nhân được phê duyệt vào tháng 11 năm 2024.
Theo tài liệu cập nhật, Moskva có thể sử dụng kho vũ khí nguyên tử của mình không chỉ để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân mà còn trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa từ vũ khí thông thường nhắm vào Nga hoặc đồng minh của nước này là Cộng hòa Belarus.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng những thay đổi trong học thuyết hạt nhân là phản ứng trước sự leo thang căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.
Theo ông Shoigu, các hành động của NATO, bao gồm việc tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine, đang buộc Moskva phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh.
“Chúng tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, Thư ký Hội đồng An ninh Nga lưu ý, đồng thời nói thêm rằng Moskva đang tìm cách tránh một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, nhưng sẵn sàng hành động quyết đoán nếu cần thiết.
Học thuyết hạt nhân cập nhật, được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức, nêu rõ Nga coi vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe và sẽ chỉ sử dụng chúng trong những trường hợp cực đoan, khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa.
Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng Moskva coi khả năng leo thang hạt nhân là có thể xảy ra nếu xuất hiện hành động xâm lược nhằm vào Nga hoặc Belarus bằng vũ khí thông thường có độ chính xác cao, với khả năng gây ra thiệt hại chiến lược.
Đồng thời các chuyên gia lưu ý rằng các nước phương Tây cũng có tiềm năng hạt nhân và có thể dùng đến biện pháp tương tự trong trường hợp leo thang.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Hoa Kỳ và các đồng minh NATO có khoảng 5.500 đầu đạn hạt nhân, tương đương với kho vũ khí của Nga.