Người đi “khua sương, đá mìn”
Những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các cựu chiến binh (CCB) ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Tinh thần bất khuất và khí thế hùng tráng khi nhớ về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.
Đã 50 năm trôi qua nhưng với CCB Hoàng Mạnh Kiên (tổ dân phố 17, thị trấn Tân Uyên) vẫn còn nhớ như in những năm tháng được giao nhiệm vụ làm lính trinh sát, tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Năm 1972, từ miền quê Nho Quan, Hà Nam Ninh, chàng thanh niên 22 tuổi Hoàng Mạnh Kiên tình nguyện lên đường ra trận. Sau 3 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 75 ở Thanh Hóa, ông cùng đồng đội hành quân sang Lào, tham gia chiến đấu ở mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Lào, tháng 1/1975, ông nhận lệnh về nước và được phân công vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Tại đây, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát để khi sư đoàn vào sẽ tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột.
Đây là trận đánh “then chốt” mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời cũng là trận mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Ông cùng đồng đội hành quân xuyên đêm, xuyên rừng với mục tiêu nắm được địa hình, quân số của địch, vẽ sơ đồ, đo khoảng cách giữa các hàng rào, số lượng lính gác của địch tất cả đều phải chính xác.
Trải qua nhiều tháng ngày gian khổ, đối mặt với mất mát, hy sinh, ông cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ “tiền trạm”, mở đường để rạng sáng ngày 10/3/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công quyết tâm giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
“Theo nguyên tắc chiến trường, trước một trận đánh, ta phải nắm được địa bàn thì phần thắng mới giành được. Chúng tôi thường nói vui, lính trinh sát là những người đi “khua sương, đá mìn” vì trước khi mở các đợt tấn công, lính trinh sát phải đi trước để dò đường đi, phát hiện mìn do địch cài cắm và nắm được những điểm nào có địch mai phục, vẽ lại sơ đồ đường đi.
Trong lúc làm nhiệm vụ, nhiều đồng đội đã ngã xuống nhưng chúng tôi không bị lay động quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao” – CCB Hoàng Mạnh Kiên chia sẻ.

Đến đêm ngày 26/4/1975, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào cứ địa Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Những ngày đó, địch liên tục ném bom đánh phá, cản đường, rất nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh.
“Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách. Đến ngày 28/4/1975, Trảng Bàng được giải phóng và đơn vị của ông tiếp tục nhận nhiệm vụ chốt chặn tại cứ điểm này, không cho địch tiến về Sài Gòn” – CCB Hoàng Mạnh Kiên hồi tưởng.
Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Sau ngày giải phóng, đơn vị ông trở về Lai Khê thuộc căn cứ Sư đoàn 5 cũ của quân lực Việt Nam Cộng hòa để làm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Sau này, ông tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại Yên Bái, Lai Châu. Năm 1977, vì lý do sức khỏe, ông xin chuyển ngành về địa phương phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Nhớ những năm tháng hào hùng
Bất cứ người lính nào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều nghẹn ngào xúc động khi kể về giây phút chiến dịch toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.
Đôi mắt của CCB Doãn Đình Nhân (SN 1953), ở tổ dân phố 17, thị trấn Tân Uyên rưng rưng mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ những đồng đội đã cùng nhau chiến đấu gian khổ và những đồng chí đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông càng thêm tự hào vì được tham gia trực tiếp đánh bại quân địch, góp phần làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử.

Ngày đó, ông thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Buôn Ma Thuột, trước mắt đánh chiếm căn cứ pháo binh và căn cứ thiết giáp cùng các hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch.
Đúng 10 giờ sáng ngày 10/3/1975, đơn vị của ông lái 4 xe tăng nã hỏa lực và cùng bộ binh xông thẳng vào trận địa địch. Sự xuất hiện của xe tăng là bất ngờ lớn, khiến quân địch trở tay không kịp.
Thừa thắng, đơn vị ông đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 của đối phương. Tại đây, đơn vị của ông chiến đấu gan dạ, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, lá cờ quân giải phóng đã tung bay trên sở chỉ huy sư đoàn; các lực lượng của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột bị tan rã hoàn toàn.

Ngày 23/3, nhận được lệnh của cấp trên, ông cùng đơn vị khẩn trương cơ động bằng xe ô tô xuống Gia Nghĩa để tiến công giải phóng thị xã này trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 20/4, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ cắt đường 22 từ Tây Ninh về Sài Gòn, ngăn không cho địch rút về cố thủ tại Sài Gòn, tập trung đánh vào hai ấp Bông Chang và Bầu Nâu (Tây Ninh). Đến trưa ngày 30/4, đơn vị của ông nhận được tin miền Nam giải phóng trên Radio, cả đơn vị ôm nhau hò reo trong nỗi vui mừng khôn xiết.
“Khi nghe được thông tin bộ đội ta đã đánh chiếm Dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng, cảm xúc vỡ oà, chúng tôi ôm nhau khóc trong sung sướng. Nhân dân đổ ra đường đón chào quân giải phóng, còn quân địch xếp hàng dài đầu hàng. Tôi rất tự hào bản thân mình là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” - CCB Doãn Đình Nhân xúc động.
Sau ngày giải phóng, dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, các chiến sỹ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 còn sống vẫn luôn nhớ về trận đánh năm xưa và đồng đội đã nằm lại. Thị trấn Tân Uyên đã thành lập Ban Liên lạc của Trung đoàn 148 để kết nối, quy tập hài cốt liệt sỹ, giúp đỡ gia đình các chiến sỹ đã hy sinh. Đồng thời, động viên nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương ngày giàu đẹp.
Hiện trên địa bàn huyện Tân Uyên có 194 CCB tham gia kháng chiến thuộc Sư đoàn 316. Năm 1977, 2 Trung đoàn đóng tại huyện Tân Uyên và Than Uyên đã chuyển ngành sang Nông trường huyện Than Uyên. Đến nay, Trung đoàn 148 còn 28 hội viên và Trung đoàn 174 còn 21 hội viên. Với phẩm chất bộ đội cụ hồ, các hội viên CCB đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, nhiều tấm gương điển hình trong học tập và công tác.
Ông Nguyễn Nam Giang, Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Uyên cho biết: “Đã 50 năm trôi qua, những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của các CCB từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quá khứ về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống yêu nước, hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh”.