Trước thị trường tràn ngập đồ uống ngoại nhập, giới trẻ Indonesia bỗng quan tâm đến hương vị jamu - một thảo dược kiêm nước giải khát từng được sử dụng trong Hoàng cung Java hàng nghìn năm. Dưới sự giúp đỡ của các lão niên, họ nỗ lực làm sống lại thức uống bị lãng quên này và bước đầu lan tỏa ra toàn cầu.
Kiêm thuốc chữa bệnh
Jamu là từ tiếng Java, có khả năng là sự kết hợp viết tắt của 2 từ, java (tên hòn đảo) và ngramu (thu thập), hiểu như “kiểu pha chế có nguồn gốc Java hoặc của người Java”. Ngoài ra, nó cũng có khả năng bắt nguồn từ thuật ngữ tôn giáo - jampi (công thức ma thuật), hiểu như “một loại nước có sức mạnh chữa lành”.
Mặc dù, các nhà nghiên cứu Indonesia vẫn chưa thống nhất được ý nghĩa của jamu, nhưng đây đích thực là thảo dược. Đối với đời sống Indonesia, nó đóng vai trò như “nước uống đem đến sức khỏe và hạnh phúc” có truyền thống 1.300 năm.
Nguyên liệu pha chế jamu là các loại thảo dược, gia vị và thực phẩm lành mạnh, thường thấy như nghệ, me, gạo, gừng, mật ong, sữa, trứng gà… Mỗi địa phương và dân tộc lại có một công thức pha chế jamu riêng. Người ở Trung Java thích nghệ và me, người ở Bali lại ưa thêm lá mận, người ở Moluccan thì say mê thêm cà phê, nhục đậu khấu, đinh hương và quế.
Mỗi hộ Indonesia cũng có phong cách jamu riêng. Năm 2012, Indonesia từng thực hiện một thống kê, phát hiện có tới 15.773 công thức pha chế jamu khác nhau.
“Thánh địa jamu” ở Indonesia là Java. Trên hòn đảo này, đâu đâu cũng có người bán jamu dạo. Họ xếp các hũ jamu vào giỏ tre, gánh bộ hoặc chạy xe trên mọi nẻo đường. Mỗi người bán jamu dạo cũng có công thức riêng. Trong giỏ tre của họ thường có 5 - 10 hũ jamu, mỗi hũ một vị. Khách hàng chỉ việc chọn hương vị yêu thích là có ngay cốc nước giải khát thơm ngon.
Jamu rất có lợi cho sức khỏe. Vì thành phần toàn là thảo dược, người bán jamu dạo còn pha chế được thuốc uống chữa các bệnh nhẹ thường gặp như đau bụng, chóng mặt, cảm cúm…
Ở 'thánh địa jamu' – Java, đâu đâu cũng có người bán jamu dạo. Ảnh: Ahmad Darmansyah, Getty Images |
Vị đắng làm mê mẩn
Khác với đa phần các loại nước giải khát lấy vị ngọt làm chủ đạo, jamu đặc trưng bằng vị đắng. Nó không chỉ hạ cơn khát tức thì, mà còn để lại dư vị dễ chịu, khiến người uống muốn thưởng thức thêm.
Theo phát hiện khảo cổ, jamu có khả năng xuất hiện từ thời Vương quốc Mataram (thế kỷ VIII – X). Ban đầu, nó chỉ phục vụ trong cung đình, sau đó mới được các lang y phổ biến về các làng.
“Khai quật các ngôi đền thuộc thế kỷ IX ở Trung Java, phát hiện nhiều công thức pha chế jamu và cả chày, cối, dụng cụ làm jamu (giã và nghiền)”, nhà nhân chủng học Patrick Vanhoebrouck cho biết.
Văn hóa tín ngưỡng Indonesia tín niệm, sức khỏe của con người được quyết định bởi sự hài hòa giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Jamu đóng vai trò là thức uống cân bằng năng lượng, phòng ngừa và điều trị bệnh tật cho cơ thể; giảm căng thẳng và đem tới cảm xúc hạnh phúc cho tinh thần.
Trải qua thế kỷ XX bị Hà Lan thuộc địa, Indonesia mất dần lòng tin yêu với jamu. Năm 2015, Indonesia thực hiện thống kê và cho thấy, 49,5% thợ làm jamu là người từ 60 tuổi trở lên và chỉ 1/3 được học nghề tử tế.
“Với chúng tôi, jamu là một khía cạnh văn hóa không thể thiếu. Nó quan trọng đến nỗi, chính phủ đã lập hồ sơ gửi tới UNESCO, đề cử đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể toàn cầu”, nhà nhân chủng học Vanhoebrouck cho biết. Trước sự mai một trông thấy, không ít người Indonesia lo ngại jamu sẽ biến mất.
Jamu có nguyên liệu là thảo dược, gia vị và thực phẩm ở Indonesia. Ảnh: Amanjiwo |
Tình yêu của giới trẻ
Trong khi giới truyền thông và Chính phủ Indonesia chưa biết phải làm thế nào để cứu jamu, Gen Z ở Jakarta đột ngột vào cuộc. Một trong những người tiên phong là Jony Yuwono, chủ tiệm cà phê xinh xắn giữa lòng thủ đô Jakarta. Thay vì chày và cối, anh Yuwono sử dụng máy xay sinh tố, máy ép và máy pha cà phê để pha chế jamu.
“Giống như trà trân châu Đài Loan, tôi tin jamu cũng có sức hút không kém”, anh Yuwono nói. Bên cạnh tính năng giải khát và phòng ngừa bệnh, jamu còn là “thức uống nhà làm”, mang lại cảm giác như “món ngon mẹ nấu”. Chẳng bao lâu sau khi đưa jamu vào menu, quán của anh Yuwono đã trở thành điểm đến yêu thích của Gen Z ở Jakarta.
Sau thành công của những người tiên phong như anh Yuwono, jamu trở thành cơn sốt trên khắp Indonesia. Một số nhà máy sản xuất bột jamu đã đóng cửa nhiều năm cũng hoạt động trở lại, trong đó có xưởng của Vanessa Kalani.
“Tôi vẫn nhớ mùi hương kích thích mọi giác quan khi ghé thăm nhà máy sản xuất bột jamu của cụ cố, người đã thành lập xưởng vào năm 1919, sau đó truyền lại 3 đời, tôi là đời thứ 4. Mùi hương đó là tổng hợp mùi của rất nhiều loại thảo dược và gia vị, những thứ đang được các nhân công phân loại trên sàn nhà”, chị Kalani kể lại.
“Gia đình tôi vẫn giữ được nhật ký và công thức pha chế của cụ cố. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải tiếp nối truyền thống pha chế này. Với tôi, jamu không chỉ là nước giải khát, mà còn là thuốc uống, kiến thức thảo dược và mong muốn giúp mọi người sống khỏe mạnh hơn”, chị Kalani bộc bạch.
Sau khi tham khảo ý kiến từ các thợ cũ của nhà máy và tìm hiểu khẩu vị của giới trẻ, chị Kalani đã thành công tạo ra nhiều công thức mới, phù hợp với thị hiếu ngày nay.
Khi jamu đã tràn ngập khắp Indonesia, các doanh nhân Gen Z bắt đầu lan tỏa nó ra thế giới. Nhiều nhà hàng, câu lạc bộ… ở Indonesia xem jamu như thức uống chính phục vụ khách nước ngoài. Các Gen Z Indonesia hải ngoại thì mở tiệm giải khát jamu trên đất khách.
Gần đây, một số đầu bếp quốc tế nổi tiếng đã tích cực giới thiệu jamu trên các chương trình truyền hình và mạng xã hội. Họ không chỉ giúp jamu có thêm thực khách, mà còn khiến nhiều doanh nhân ở các quốc gia khác mạnh dạn đầu tư.
“Tôi pha chế jamu gừng và nghệ tươi. Nhìn màu sắc, mọi người cứ ngỡ nó sẽ ngọt như nước cam và rồi bị bất ngờ bởi vị đắng. Dù vậy, họ vẫn đánh giá là nó rất ngon”, Anna Uspessij (Hà Lan) cho biết.