Ấn Độ và Pakistan bên bờ vực chiến tranh

GD&TĐ -Pakistan đặt quân đội trong tình trạng báo động toàn diện, cảnh báo Ấn Độ về khả năng xảy ra chiến tranh sau vụ tấn công khủng bố ở Jammu và Kashmir.

Ấn Độ và Pakistan bên bờ vực chiến tranh

Tờ Hindustan Times của Ấn Độ tuyên bố, chính quyền New Dehli đã tìm thấy bằng chứng về sự tham gia của các cơ quan tình báo Pakistan vào vụ tấn công khủng bố ở Jammu và Kashmir hôm 22/4, khiến 27 người thiệt mạng và hàng chục khách du lịch bị thương.

Bài báo cáo lưu ý rằng, các báo cáo tình báo chỉ ra sự tồn tại của một “âm mưu có phối hợp” nhằm đưa một số lượng lớn những kẻ khủng bố được huấn luyện bài bản đến Ấn Độ.

Hindustan Times nhấn mạnh, danh tính của năm kẻ tấn công đã được xác định. Trong số đó, có ba người là công dân Pakistan, những người còn lại là cư dân của Jammu và Kashmir.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, New Delhi sẽ không ngừng truy đuổi mọi tên khủng bố và những kẻ bảo trợ chúng

Một ngày trước đó, để đáp trả vụ tấn công khủng bố ở Kashmir, chính quyền Ấn Độ còn tuyên bố trục xuất toàn bộ công dân Pakistan khỏi nước này, bao gồm tất cả các tùy viên của đại sứ quán Pakistan đại diện cho Bộ Quốc phòng nước này, đồng thời đóng cửa biên giới với nước láng giềng.

Ngoài ra, chính quyền New Delhi đã đình chỉ Hiệp ước sông Ấn chung năm 1960 với Pakistan, chính thức ngăn dòng nước chảy từ sông Indus sang Pakistan, đóng cả bốn cống dẫn nước qua các đập và kênh đào vào quốc gia láng giềng.

xung-dot-quan-su-an-do-pakistan.jpg
Ấn Độ xác nhận đã cắt nguồn cung cấp nước sông Indus sang Pakistan

Sông Indus là nguồn nước quan trọng của Pakistan, cung cấp nước cho các tỉnh Punjab và Sindh, nơi phần lớn đất nông nghiệp được tưới tiêu bằng nước từ con sông này, khiến ngành nông nghiệp nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, năng suất cây trồng giảm mạnh, thiếu hụt lương thực và giá cả nông sản tăng cao.

Theo số liệu của chính phủ Pakistan, ngành nông nghiệp chiếm 21% GDP của cả nước và tạo việc làm cho 45% dân số.

Trong khi đó, Pakistan cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất điện do các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào dòng chảy của con sông này, sẽ bị mất công suất khi nguồn nước từ con sông này bị chặn lại.

Để đáp trả, chính quyền Islamabad đã đưa ra cảnh báo chiến tranh đối với New Dehli, đồng thời đặt quân đội vào tình trạng báo động chiến đấu toàn diện.

“Chúng tôi sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào của Ấn Độ, quốc gia đã rút khỏi Hiệp ước sông Ấn, nhằm cắt đứt dòng nước chảy tới Pakistan, là một hành động chiến tranh” - Ủy ban An ninh Pakistan nhấn mạnh.

Đồng thời, Ủy ban An ninh Pakistan tuyên bố rằng, nước này tuyên bố các cố vấn Ấn Độ về quốc phòng, hải quân, lục quân và không quân là những “nhân vật không được hoan nghênh”; đồng thời, Ủy ban An ninh Pakistan còn tuyên bố đóng cửa không phận với Ấn Độ.

Được biết, Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn do Ngân hàng Thế giới làm trung gian vào năm 1960 đã điều chỉnh việc phân phối tài nguyên nước giữa hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan.

Hệ thống sông Indus bao gồm ba con sông phía tây là sông Indus, Jhelum và Chenab và ba con sông phía đông, gồm sông Sutlej, Beas và Ravi.

Theo hiệp ước, Ấn Độ được trao gần như toàn bộ quyền quản lý nguồn nước của các con sông phía đông và các nhánh của chúng cho đến biên giới với Pakistan.

Đổi lại, Pakistan được trao quyền độc quyền sử dụng các con sông phía tây, cũng như được bồi thường tài chính một lần cho việc mất quyền tiếp cận vùng nước phía đông.

Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí thường xuyên trao đổi thông tin thủy văn và hợp tác về mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận, đồng thời thành lập Ủy ban thường trực đặc biệt Indus để điều phối các hoạt động liên quan đến nguồn nước sử dụng chung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ