Afghanistan: Thiệt hại kinh tế khi trẻ em gái không đến trường

GD&TĐ - Theo phân tích mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ em gái Afghanistan không được đến trường có thể gây thiệt hại ít nhất 500 triệu USD cho nền kinh tế Afghanistan một năm qua.

Bên trong một lớp học bí mật dành cho nữ sinh Afghanistan.
Bên trong một lớp học bí mật dành cho nữ sinh Afghanistan.

Từ đó, gây thiệt hại 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này.

Nếu ba triệu trẻ em gái Afghanistan hiện nay có thể hoàn thành chương trình giáo dục trung học và tham gia vào thị trường việc làm, các em sẽ đóng góp ít nhất 5,4 tỷ USD cho nền kinh tế Afghanistan, các chuyên gia phân tích.

Các ước tính trên thậm chí chưa tính đến tác động phi tài chính từ việc nữ sinh Afghanistan không đến trường như thiếu giáo viên, giảm tỷ lệ nữ sinh học tiểu học, tăng chi phí y tế liên quan đến mang thai ở tuổi vị thành niên... Báo cáo cũng chưa thảo luận đến những tác động rộng lớn của giáo dục như trình độ học vấn nói chung, giảm tảo hôn, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh...

Đại diện UNICEF Afghanistan, Tiến sĩ Mohamed Ayoya, cho biết: “Quyết định ngày 23/3 không cho phép nữ sinh trung học đến trường đã gây sốc và thất vọng sâu sắc.

Chúng tôi lo lắng các em phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng như buôn bán trẻ em, tảo hôn... Phân tích mới nhất đã cho thấy rõ tác động kinh tế nghiêm trọng của quyết định này đối với GDP đất nước”.

Trước khi Taliban nắm quyền vào ngày 15/8/2021, hơn 4,2 triệu trẻ em Afghanistan đã không được đến trường, trong đó 60% là trẻ em gái. Phân tích chỉ ra rằng Afghanistan sẽ không thể lấy lại GDP bị mất trong quá trình chuyển đổi và đạt năng suất tiềm năng thực sự nếu trẻ em gái không được đảm bảo các quyền và được hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Theo TS Ayoya, UNICEF mong muốn chứng kiến mọi trẻ em, bất kể trai hay gái, tại Afghanistan được đến trường và học tập. Cơ quan này sẽ không ngừng vận động cho đến khi đạt được mục tiêu đó.

“Giáo dục không chỉ là quyền lợi cho mọi trẻ em, mà nó còn là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai ở Afghanistan”, ông Ayoya nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UNICEF cũng đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên tiếp cận các dịch vụ quan trọng như sức khỏe kinh nguyệt, vệ sinh, dinh dưỡng... Những dịch vụ này vốn được thực hiện qua trường học.

Trong 12 tháng qua, các dịch vụ y tế và dinh dưỡng tại trường học đã tiếp cận được 272.386 trẻ em gái vị thành niên, giúp các em bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Việc nữ sinh ngừng đến trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.

Hiện nay, trẻ em gái Afghanistan vẫn đi học tiểu học và nữ sinh có thể học đại học nhưng phải ngồi tách biệt với nam sinh và không được học một số môn do thiếu giáo viên nữ. Nữ sinh trung học chưa được đi học lại.

Trước tình cảnh trên, nhiều ngôi trường, lớp học bí mật đã được tổ chức dưới lòng đất hoặc trong các ngôi nhà bình thường trên khắp đất nước. Để đến lớp, nữ sinh thường rời nhà sớm vài giờ, đi các tuyến đường khác nhau để tránh bị chú ý. Nếu bị tra hỏi giữa đường, họ nói dối là đi học may và giấu sách vở dưới quần áo.

Chị Nafeesa, 20 tuổi, hiện đang theo học một lớp học bí mật do Hiệp hội Cách mạng Phụ nữ Afghanistan (RAWA) tổ chức, bày tỏ: “Chúng tôi chấp nhận rủi ro, nếu không chúng tôi sẽ mãi không biết chữ. Chúng tôi muốn phục vụ xã hội và xây dựng tương lai của mình”.

Theo UNICEF, AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.