“Ác mộng” của rắn hổ mang

GD&TĐ - Nói đến rắn hổ mang và cái lưỡi độc nổi tiếng của nó, người hoặc động vật khác nếu bị chúng cắn thì có "chín phần chết, một phần sống". Thế nhưng, có một loài vật mà loài rắn này phải sợ hãi và tránh xa, đó là cầy mangut.

“Ác mộng” của rắn hổ mang

Thích ăn chất độc

Có thể nói, cầy mangut là kẻ thù tự nhiên của rắn hổ mang, loài này có bản tính tự nhiên là luôn đối đầu với rắn. Mangut thích nhất là ăn rắn độc, và chất độc của rắn càng lớn thì Mangut càng thích ăn. Trên thực tế, cầy Mangut là động vật ăn thịt. Chúng ăn động vật thuộc bộ gặm nhấm, chim, ếch, côn trùng và trứng.

Loài cầy mangut nhỏ nhất có thể đạt chiều dài 25cm và nặng 0,2kg trong khi loài cầy mangut lớn nhất có thể đạt chiều dài 71cm - 76cm và nặng 3,6kg. Vài giống cầy mangut có lông màu xám hoặc nâu, còn một số loài thì có bộ lông vằn và đuôi vòng.

Những con cầy mangut trưởng thành bảo vệ cầy mangut con bằng cách tấn công kẻ thù bằng móng vuốt sắc nhọn. Chúng ném trứng vào những bề mặt cứng hoặc dùng những vật rắn để đập vỡ trứng. Chúng cũng rất lanh lẹ và nhanh nhẹn.

Mỗi năm một lần, cầy mangut lại phát ra những âm thanh cao tần để thông báo với những con khác rằng chúng đã sẵn sàng để giao phối. Cầy mangut cái mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa 4 con. Chúng cũng sử dụng mùi hương của mình để đánh dấu lãnh thổ. Loài này thường sống trong những hang động bỏ hoang, chúng ít khi tự đào hang để sống. Chúng có thể sống được khoảng 4 năm trong tự nhiên và 20 năm nếu được nuôi nhốt.

Sở hữu tiếng kêu đặc biệt

Một cuộc nghiên cứu kỹ hơn về tiếng kêu của loài cầy Mangut cho thấy loài vật này có khả năng diễn đạt qua tiếng kêu tốt hơn là người ta vẫn nghĩ trước đây. Thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết các sinh vật kết hợp các đơn vị riêng biệt của âm thanh lại với nhau cũng giống như con người ghép 1 phụ âm với các nguyên âm để tạo thành 1 âm tiết. “Thực sự là phát hiện này được tìm thấy trên loài vật “đơn giản” như cầy mangut chứ không phải là loài linh trưởng hay vượn”, nhà nghiên cứu David Jansen đến từ Đại học Zurich cho biết.

Jansen và các đồng nghiệp đã tiến hành theo dõi những con cầy Mangut ở miền Tây Uganda, trong vườn quốc gia Nữ hoàng Elizabeth. Loài động vật ăn thịt này có họ hàng với loài cầy meerkat và được tìm thấy ở vùng hoang mạc phía Nam sa mạc Sahara. Chúng sống thành các bầy nhỏ, gồm khoảng 20 con trưởng thành cùng nhau nuôi con của chúng. Những tiếng kêu của chúng, kéo dài trong khoảng 50 đến 150 mili giây và có thể được hiểu là các âm tiết đơn, cho phép chúng gắn kết và duy trì các hoạt động như tìm kiếm thức ăn.

Các nhà nghiên cứu ghi lại tiếng chúng gọi nhau và các hành động của chúng xảy ra cùng lúc với tiếng kêu (ví dụ như tìm kiếm, đào bới, di chuyển,…). Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy các tín hiệu âm thanh trong các âm tiết đơn của chúng. Âm thanh ban đầu có vẻ là để cho thấy thành viên nào trong đàn đang kêu và âm thanh thứ hai là để chỉ ra hoạt động nào đang diễn ra.

Jansen cho biết cuộc nghiên cứu đã cho thấy một sự phức tạp không ngờ trong việc thông tin liên lạc của loài vật này. “Nó cho thấy rằng cầy mangut đã kết hợp các âm thanh giống như nguyên âm, cái mà người ta đã từng cho rằng chỉ có ở con người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ