Bạn Phạm Thị Đức Ý, sinh năm 1995, hiện đang là du học sinh Nga, chuyên ngành phiên dịch tiếng Nga thuộc Học viện tiếng Nga Puskin, Moscow. Để đạt được thành tích này, Ý đã trải qua cả một thời gian dài khổ luyện trước khi được chính thức trở thành sinh viên của học viện danh giá này.
Đức Ý là chị đầu trong gia đình có hai chị em gái. Cha Ý bị điện giật mất từ lúc Ý mới 3 tuổi. Đến năm 6 tuổi, mẹ đi bước nữa thì Ý cùng em gái chuyển hẳn về sống với ông bà nội ở thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông bà nội tuổi đã cao, lại sống nhờ vào những đồng lương hưu ít ỏi nên cuộc sống của hai chị em không được đầy đủ như các bạn cùng trang lứa. Ông bà còn phải lo cho em gái nên đến năm lớp 8, Ý chuyển sang ở tại Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Không được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, lại xa ông bà nội nhưng ngay khi còn đi học nhưng Ý ý thức được hoàn cảnh của bản thân nên rất chăm học và lễ phép.
Suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, Ý luôn được thầy cô và các bạn yêu mến bởi tính tình hiền lành, chăm chỉ. Nói về hoàn cảnh của bản thân, Ý bày tỏ: “Nhiều khi khó khăn, chán nản lắm nhưng rồi cũng tự an ủi mình để cố gắng vì tương lai, vì những người xung quanh thôi.”
Đức Ý hiện là du học sinh chuyên ngành phiên dịch tiếng Nga, thuộc học viện tiếng Nga Puskin, Nga - Ảnh; Nhân vật cung cấp |
Năm 2013, Ý đậu khoa tiếng Nga, Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Đức Ý còn là lớp phó học tập của lớp đại học. Để đạt được suất học bổng quý giá của Học viện tiếng Nga Puskin, Ý đã nỗ lực học tập để đạt được loại giỏi cả hai năm đại học.
Chia sẻ về quá trình “săn” học bổng, Ý hào hứng: “Hồi đó mới vào năm nhất mình có ước mơ này rồi nhưng do không đậu kì thi Olympic nên mình trượt suất học bổng 5 năm. Sau đó mình quyết tâm ôn luyện để tìm cơ hội khác. May mắn đến với mình khi khoa có được 4 suất học bổng của Học viện tiếng Nga Puskin”.
Thất bại ở lần đầu tiên không làm Ý nản chí, ngược lại càng làm tăng thêm động lực để cô bạn tìm kiếm cơ hội tiếp theo. Tiếng Nga là một ngôn ngữ mới Ý vừa được tiếp xúc ở môi trường đại học nên gặp nhiều khó khăn trong phương pháp. Học và học là hai từ mà Ý nói đến quãng thời gian ôn luyện của mình. Học trên lớp, học ở nhà, học ở thư viện, học với thầy cô mọi lúc mọi nơi, làm sao để tìm ra cách học hiệu quả nhất cho mình. Ý cho biết thêm: “Học bổng này xét điểm hai năm đại học và học bạ cấp 3 nhưng điểm của hai năm đại học là quan trọng nhất nên mình dốc hết sức vào hai năm này. Sau đó thì mình làm hồ sơ gửi ra Bộ. Rồi làm thêm một bộ dịch sang tiếng Nga gửi qua bên Học viện. Thời gian còn lại thì hồi hộp chờ đợi.”. Đến tháng 10/2015, Ý chính thức trở thành sinh viên của Học viện tiếng Nga.
Đức Ý (người thứ ba từ bên trái qua) cùng các bạn du học sinh Việt Nam tại Moscow, Nga. Ảnh: NVCC |
Học tập ở đất nước xa lạ khiến Ý gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Phải sử dụng tiếng Nga là chủ yếu nên Ý gặp nhiều hạn chế trong việc nghe thầy cô giảng bài.
Ý nói: “Qua đây chương trình học nặng hơn, thầy cô lại giảng nhanh nữa nên toàn ghi âm rồi về nhà nghe kĩ lại từng lời giảng. Được cái mình học và giao tiếp bằng tiếng Nga nhiều hơn.”.
Sự động viên của gia đình, bạn bè là động lực lớn nhất giúp Ý vững vàng trong việc học tập và sinh hoạt ở xứ người. Ý cho biết tiếng Nga không phải là ngôn ngữ thông dụng như các ngôn ngữ khác nên bạn cố gắng học để có thể có được việc làm ổn định, đúng chuyên ngành sau khi ra trường.
Nói về cô lớp phó học tập giỏi giang, bạn Phương Thúy chia sẻ: “Ý rất siêng năng và chăm chỉ, hầu như bạn ấy chỉ có học và học rất giỏi nên được học bổng đi du học. Tính tình bạn ấy lại hiền lành, tốt bụng nên các bạn trong lớp ai cũng yêu quý”.