Tôi gặp Lê Anh Tiến khi em vừa nhận tin mình là một trong 10 gương mặt được trao giải Quả cầu vàng năm nay. Chàng trai nhỏ bé với đôi mắt sáng hồ hởi nói rằng, trong số 10 người nhận giải, chỉ có mình em là kỹ sư, còn lại đều là thạc sĩ và tiến sĩ.
Sinh năm 1990, vừa tròn 25 tuổi, Tiến có lẽ là người trẻ nhất trong số 10 người trẻ được trao giải lần này. Thế nhưng chàng kỹ sư vừa tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng lại đang sở hữu danh sách các giải thưởng không hề trẻ.
Từ năm 2006, khi mới chỉ là học sinh lớp 10, Tiến đã đạt giải thưởng của cuộc thi tin học trẻ không chuyên của thành phố Đà Nẵng. Một năm sau đó, Tiến cùng người anh song sinh Lê Hoàng Anh đã đoạt Huy chương đồng Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 3 (VIFOTEC) với sản phẩm Từ điển sinh vật.
Từ đó cho tới nay, Tiến tham gia rất nhiều các cuộc thi với nhiều sản phẩm, ý tưởng, dự án khác nhau và “năm nào cũng có từ 1-2 giải”, rải trên khắp các lĩnh vực, từ kinh tế, môi trường cho tới giáo dục. Nhiều người còn gọi đùa cặp anh em song sinh này là “cứ thi là thắng giải”.
Mới đây nhất, sản phẩm kính thông minh cho người khuyết tật (Multi Glass) của anh em Tiến đã lọt vào chung kết cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2015 và đạt giải khuyến khích. Đây là sản phẩm hữu ích giúp những người không may mắn có thể thao tác với máy tính chỉ bằng cử động đầu.
Tiến kể, trong một dịp ghé thăm Trung tâm Khuyết tật thành phố Huế, khi chứng kiến người khuyết tật sử dụng máy tính rất khó khăn, em và một người bạn cùng trường đã nảy sinh ý tưởng chế tạo một chiếc kính thông minh để hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp với máy tính dễ dàng hơn, từ đó có thể tiếp cận thông tin trên mạng cũng như tìm kiếm công việc.
Những ngày đầu tiên làm chiếc kính, Tiến và người bạn của mình đã rất vất vả vì mọi thứ đều phải tự mày mò. Đến cuối năm ngoái, khi tham gia chương trình khởi nghiệp cuối tuần (Startup Weekend) tại Đà Nẵng, Tiến cùng một nhóm bạn đã tập trung phát triển các tính năng của chiếc kính và đoạt giải nhất tại cuộc thi.
Mặc dù không nhận được bất cứ hỗ trợ nào như lời hứa của ban tổ chức Startup Weekend dành cho ý tưởng đoạt giải, song Tiến và nhóm của mình vẫn kiên trì phát triển sản phẩm của mình. Tới đầu năm nay, được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, Tiến và nhóm của mình đã sản xuất được 25 chiếc kính thông minh tặng cho Hội Khuyết tật thành phố Đà Nẵng.
Tiến cho biết, mục tiêu của nhóm là tạo ra một chiếc kính dễ sử dụng với chi phi rẻ, phù hợp với người khuyết tật. Do đó, giá thành chiếc kính do nhóm Tiến chế tạo chỉ khoảng 600 ngàn đồng.
Hỏi Tiến về kế hoạch tương lai cho chiếc kính, Tiến nói muốn tạo ra một sản phẩm phụ vụ cho cộng đồng chứ không phải để bán do vậy, Tiến sẽ không bán ý tưởng vì sợ “họ sẽ đem kinh doanh với giá cao, thì người khuyết tật khó mà sống được”.
Hiện tại, Tiến và nhóm của mình đang xin tài trợ để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng mới để chiếc kính phục vụ tốt hơn cho người dùng.
“Em luôn cố gắng để mẹ không phải bán nước nữa”
Sinh ra trong gia đình không khá giả, ba là tài xế xe khách nay đã nghỉ, mẹ bán quán nước về đêm, Tiến và 3 người anh em của mình đã học cách làm việc kiếm tiền từ rất sớm. Tiến kể, từ năm học cấp 3, em đã tự trang trải các khoản chi phí trong cuộc sống của mình. “Hầu như mọi thứ từ xe đạp, xe máy, máy tính… em đều tự sắm bằng tiền đi làm và giải thưởng”, Tiến nói.
Hiện tại, do mới bắt đầu đi làm nên Tiến vẫn chưa giúp đỡ ba mẹ được nhiều. Mẹ Tiến vẫn bán quán nước từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng. “Mẹ chưa bao giờ được ngủ đêm. Nên em luôn cố gắng để mẹ không phải ngồi bán quán nước nữa”, Tiến nói.
Việc Tiến đến với lĩnh vực công nghệ thông tin cũng là một cái duyên. Tiến kể, từ năm học cấp 2, em đã xác định mình sẽ trở thành một bác sĩ và chuyên tâm học hai môn hóa và sinh. Thế rồi, “khi đó trường thiếu người thi tin. Em nghe lời cô giáo môn tin đăng ký bồi dưỡng và thi thêm môn này. Không ngờ, thi cái là có giải”, Tiến vui vẻ kể lại.
Tới nay, dù vừa tốt nghiệp kỹ sư điện tử viễn thông, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng được vài tháng, song Tiến đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm. Tiến từng nắm giữ vị trí điều hành của một công ty khởi nghiệp về công nghệ của thành phố Đà Nẵng và là người đứng đầu nhiều dự án.
Thế nhưng, khi nói chuyện, Tiến vẫn khẳng định rằng, mình vẫn chưa có đủ kinh nghiệm để có thể tự đứng ra thành lập một công ty khởi nghiệp riêng, dù rất muốn. Hiện tại, Tiến làm một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Hà Nội với mức lương “học việc” mà theo Tiến là để tích lũy thêm kinh nghiệm cho tương lai.
Tuy nhiên, ngoài công việc chính, Tiến vẫn là người điều hành hoặc tham gia hàng chục dự án khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực. “Mặc dù làm việc tại Hà Nội nhưng em vẫn thường xuyên trao đổi với các bạn trong nhóm của mình. Thời gian nghỉ Tết Âm lịch về Đà Nẵng cũng là khoảng thời gian em sẽ tiếp tục các công việc và dự án của mình”, Tiến nói.
Dự án mà Tiến cùng người anh song sinh Lê Hoàng Anh đang thực hiện là ứng dụng mạng xã hội giao thông (Transport Social). Đây là ứng dụng mạng xã hội giúp người dùng có thể chia sẻ các thông tin về giao thông, từ đó có thể tìm đường đường đi nhanh và tiết kiệm nhất.
Ý tưởng Transport Social của anh em Tiến cũng đã đoạt giải 3 trong cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp toàn quốc do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Nhóm của Tiến cũng đã làm xong phiên bản dùng thử của ứng dụng này.
Nhìn vóc dáng nhỏ bé của Tiến, khó ai có thể nghĩ rằng, em có thể có nhiều ý tưởng tới như vậy. Thế nhưng, điều đáng quý Tiến không chỉ là sức sáng tạo mà còn là sự chân thành và khiêm tốn. Viết trên trang cá nhân khi nhận thông tin mình nhận giải Quả cầu vàng, Tiến nói rằng: Em cảm thấy rất may mắn vì đây là giải thưởng mà em không bao giờ nghĩ có thể nhận được.
“Mình thấy rằng mình chưa xuất sắc như những người khác và cần phải cố gắng nhiều nữa để mang những thứ có giá trị tới cộng đồng”, Tiến viết.