9X gác bằng đại học, đi bán cá, trà chanh vỉa hè

Nhận ra không hợp ngành học, nhiều bạn trẻ chấp nhận gác bằng cử nhân để ra vỉa hè, góc chợ bán cá, trà chanh, phụ kiện di động… với giấc mơ làm chủ một ngày không xa.

9X gác bằng đại học, đi bán cá, trà chanh vỉa hè

“Mình phải nói dối ba mẹ là mua xe máy đi làm để có thể mượn tiền mua cá biển, mang ra chợ bán. Đến giờ, mình chưa từng hối hận vì quyết định gác tấm bằng ngành kỹ sư điện tử sang một bên” - Phan Văn An khẳng định.

Khi bằng cử nhân không còn là mơ ước

Tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, chàng trai Phan Văn An (24 tuổi, quê Cam Ranh, Khánh Hòa) hài lòng với tấm bằng điện tử bằng loại khá. An đi xin làm nhân viên bán hàng điện, với mức lương gần 6 triệu/tháng. Nhưng làm một thời gian, cậu lại quyết định nghỉ việc vì không thấy niềm vui với công việc đang làm.

“Nhớ thời lớp 12, không có hướng nghiệp rõ ràng, mình chọn đại ngành này. Cũng ráng kiếm xong tấm bằng nhưng đến lúc đi làm thì phải thừa nhận bản thân không hợp với ngành học” - An tâm sự.

Gia đình làm ngư dân, từ lớp 11 thì An đã quen cảnh sáng đi học, chiều kéo lưới. Thời sinh viên, An cũng xoay sở kiếm đồng ra đồng vô từ việc bán tôm hùm trực tuyến. 

Nhận thấy, giấc mơ kinh doanh ngày càng hiện hữu thay vì gắn với những linh kiện điện tử nên nghỉ việc, An trở lại với việc bán hải sản. “Tôi muốn một việc tự do, chứ đi làm người ta trả lương cho mình nhưng lại rất phụ thuộc, áp lực” - An giải thích.

Tương tự, Lê Thị Hồng Phương (24 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) cũng rẽ theo một con đường khác từ ngày cô học xong ngành Công nghệ sinh học (ĐH Lạc Hồng). 

Cô gái 9x cảm thấy sự gò bó nếu làm ở công ty. “Và đa số các doanh nghiệp đều đòi hỏi kinh nghiệm, có nơi phải có sự quen biết. Hơn nữa, tìm việc ổn định ở tỉnh cũng không đơn giản. Nên vừa ra trường, mình không vội xin việc mà bắt tay thực hiện kế hoạch kinh doanh đã ấp ủ” - Phương cho hay.

Phương kể, năm cuối đại học, trong thời gian rảnh do ở nhà làm nghiên cứu khoa học thì nảy ra ý tưởng bán trà chanh. Đó là thời điểm giữa năm 2012, trào lưu uống trà chanh đang thịnh hành ở Hà Nội, TPHCM trong khi Biên Hòa chưa phát triển. 

Nghĩ là làm, vài tháng sau, Phương hùn với bạn số tiền 500 ngàn đồng từ đi làm thêm để mở quán cóc trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc (Phường Hố Nai).

Sau khi tốt nghiệp, gia đình đã định hướng cho Đỗ Trí Minh (24 tuổi, tốt nghiệp khoa Vật lý, ĐH KHTN TPHCM) một công việc ổn định tại cơ quan nhà nước ở quê ở Kiên Giang. 

Nhưng Minh lại chọn bán đi hàng rong. Từ thời sinh viên, cậu đã tập buôn bán nên cậu quyết định gắn với công việc này. Minh chọn bán mặt hàng ốp lưng điện thoại ở khu chợ đêm làng đại học Thủ Đức.

“Nhiều bạn thích an phận, làm công việc ổn định nhưng mình thì không. Tấm bằng cử nhân không có nhiều giá trị dù tôi từng mơ ước có nó. Nhưng có rồi, lại thấy bản thân không hợp với ngành đã học suốt 4 năm qua” - Minh tâm sự.

Nuôi giấc mơ làm chủ nơi vỉa hè, góc chợ

 

Để có vốn, An nói dối ba mẹ là mua xe máy, cộng thêm tiền dành dụm được tổng cộng 20 triệu đồng, đủ thuê mặt bằng, lập trang bán hàng online, nhập hải sản tươi từ quê nhà Bình Ba để bán. 

Cửa hàng ban đầu của An năm gần chợ Tân Mỹ (Quận 7). Xong xuôi đâu đó, cậu mới báo cho nhà biết quyết định nghỉ việc kinh doanh của mình.

Như An đã lường trước, cậu vấp phải sự phản đối gay gắt của ba mẹ. Việc người con út duy nhất trong gia đình 5 anh em được học đến đại học lại đi bán cá như mấy bà ngoài chợ là một nỗi thất bại.

 Nhưng An tâm niệm rằng việc tự làm chủ sẽ khiến mình vui, tự do hơn đi làm công cho người khác. “Hơn nữa nhìn cha và những ngư dân quê sống thiếu thốn mà không giúp gì được khiến tôi xót lắm. Việc bán cá này coi như một thử nghiệm khởi nghiệp để theo đuổi một ước mơ lâu lớn là sẽ tổ chức được đầu ra nhằm hỗ trợ cho ngư dân nghèo” - An hào hứng chia sẻ dự định.

Trở về với thực tế, gian hàng cá của cậu có lúc lời, khi ế, trừ tiền phí vận chuyển, mặt bằng có khi còn lỗ, coi như lấy công làm lời. Tuy nhiên, tính trung bình, mức thu nhâp của An cũng bằng hoặc cao hơn cả mức lương bán hàng điện tử trước đó. 

An chia sẻ: “Mình chưa thể nói gì, tất cả chỉ là những bước đầu chặng đường khởi nghiệp. Nhưng hiện tại, mình cũng đã đủ sống và cảm thấy rất thoải mái. Sắp tới tôi sẽ tìm kiếm mặt bằng khác. Mình còn trẻ, có đam mê, sợ gì không dám làm” - An hồ hởi chia sẻ.

Đối với Phương, việc kinh doanh đúng thị hiếu nên chỉ trong 1 tuần đã thu lại vốn. Do đi tiên phong trào lưu trà chanh ở TP.Biên Hòa, nên cô dần có lượng khách ổn định. 

Phương nói: “Ngày nào cũng ra vỉa hè bán đến khuya, rồi lại chạy gần 10 km về nhà khiến mình mệt nhoài. Bù lại, mình đã tự chủ được đồng tiền, không còn phải phụ thuộc vào gia đình”.

Nhưng sau đó có những khó khăn như sự tranh chấp vỉa hè, trào lưu này dần bão hòa khiến công việc phần nào giảm sút. Một phần lý do nữa là “vì là mình muốn chuyển sang một hướng kinh doanh mới sau khi đã có những trải nghiệm ban đầu” - Phương nói. Vì thế tháng 4/2013, Phương quyết định nghỉ bán.

Bỏ trà chanh, cô xoay sang chế biến các món ăn vặt. Bằng sự khéo léo, Phương còn sáng tạo thêm nhiều món kiểu mới. Ban đầu là bán hàng trực tuyến. Khi gom góp đủ vốn, mượn thêm bè thì cô gái 9x có được 30 triệu thuê mặt bằng, mở cửa hàng.

Sau một thời gian mở quán, Phương nhận định hướng này hiệu quả hơn bán vỉa hè. Cô liệt kê: “Mình không sợ tranh chấp, không lo mưa gió, thu nhập ổn định hơn vì không mang tính trào lưu”.

Phương tin rằng, với những trải nghiệm bước đầu, sẽ là động lực để bản thân tiếp tục có niềm tin vào đam mê kinh doanh, cũng như chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn.

Còn với Đỗ Trí Minh, đến sau Tết 2014, anh cũng mướn được mặt bằng, mở một tiệm phụ kiện di động trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức). 

Minh cho biết: "Việc buôn bán từ khi mở tiệm khá suôn sẻ, nếu trước kia mình chỉ lời vài trăm ngàn mỗi ngày thì nay đã lên đến cả triệu đồng".

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ