8 thay đổi giúp giáo viên dạy Sinh học chất lượng

GD&TĐ - Những chia sẻ của cô Hà Thị Kim Bình - giáo viên Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - là tham khảo hữu ích cho giáo viên đang giảng dạy Sinh học trong trường THPT.

Học sinh Trường THPT Phú Điền trong giờ học
Học sinh Trường THPT Phú Điền trong giờ học

Thay đổi cách kiểm tra bài cũ

Thông thường, phần kiểm tra bài cũ được giáo viên tiến hành ở đầu giờ. Đây là việc làm theo đúng tiến trình dạy học.

Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại cách làm đó sẽ khiến học sinh nhàm chán, đôi khi gây áp lực, tạo sự căng thẳng cho học sinh trong suốt tiết học hôm đó.

Theo cô Hà Thị Kim Bình, giáo viên có thể lồng ghép các câu hỏi kiểm tra kiến thức đã học trong quá trình dạy bài mới để làm giảm bớt đi sự căng thẳng không đáng có.

Ví dụ : Khi dạy mục III bài 15. Tiêu hóa ở động vật, giáo viên có thể treo tranh phóng to về quá trình tiêu hóa thức ăn trong túi tiêu hóa của thủy tức. Sau đó yêu cầu học sinh lên bảng mô tả quá trình tiêu hóa trong túi tiêu hóa của thủy tức; kiểm tra kiến thức của học sinh về quá trình tiêu hóa của động vật có túi tiêu hóa, sau đó nhận xét và cho điểm.

Thay đổi cách đặt vấn đề vào bài mới

Trong một giờ học, nếu ngay từ phần vào bài giáo viên đã tạo ra sự hứng thú cho học sinh, chắc chắn trong những phút tiếp theo, các em sẽ hào hứng hơn với những hoạt động do giáo viên tổ chức.

Do đó phần vào bài có vai trò quan trọng đến hoạt động dạy cũng như kích thích quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh trong một tiết dạy.

Kinh nghiệm của cô Bình để có cách dẫn dắt vào bài mới hấp dẫn hơn là: Mở đầu bằng một câu chuyện vui; mở đầu bằng một đoạn phim hay hình ảnh; hay mở đầu bằng một câu chuyện li kì, hấp dẫn…

Một điều cần lưu ý là: đặt vấn đề hay góp phần làm tăng tính hấp dẫn cho bài học, tạo hứng thú cũng như làm cho không khí học tập trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần chú ý đến thời gian cho phần vào bài để tránh ảnh hưởng đến thời lượng dành cho bài mới.

Thay đổi cách giao tiếp

Trong hoạt động dạy học luôn đòi hỏi sự tương tác qua lại thường xuyên giữa thầy và trò. Một trong những điều kiện để học sinh có thể học sâu là các em phải có cảm giác thoải mái.

Trong quá trình giao tiếp với học sinh, giáo viên cần có thái độ nhẹ nhàng, vui vẻ, tạo cho học sinh cảm giác được yêu thương, nhưng khi cần vẫn phải nghiêm khắc để học sinh hiểu được giới hạn của sự thoải mái. Vì nếu quá dễ dãi, học sinh không kính nể sẽ rất khó dạy; quá nghiêm khắc, học sinh sẽ bị ức chế khó tiếp thu bài học.

Hơn ai hết, giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên đối với công tác giáo dục. Khi cảm thấy mình được tôn trọng có nghĩa là các em sẽ thêm phần tự tin vào bản thân mình, sẽ đáp lại bằng thái độ tôn trọng, yêu quý đối với thầy cô, nhờ đó mà cũng sẽ yêu thích hơn bộ môn những thầy cô giáo đó đang giảng dạy.

Bên cạnh đó, người giáo viên cũng cần quan tâm đến những học sinh chậm tiến của lớp, quan tâm nhắc nhở các em học bài và chỉ cách học bài cho học sinh; kịp thời khen ngợi khi học sinh tiến bộ.

Ví dụ, có em học sinh chậm tiến lần thứ nhất kiểm tra bài cũ chỉ được 3 điểm, nhưng lần thứ hai được 5 điểm, giáo viên cần khen ngợi để học sinh cảm thấy mình có tiến bộ, từ đó sẽ cố gắng nhiều hơn.

Đổi mới cách thức soạn bài và thiết kế các hoạt động dạy học

Trước hết, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung của bài học trong sách giáo khoa, kết hợp nghiên cứu những tài liệu tham khảo khác như sách giáo viên, sách giải bài tập sinh học, chuẩn kiến thức kĩ năng,… để chỉ ra được mục tiêu chính là những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và thái độ cần hướng học sinh tìm hiểu và đạt được.

Tiếp theo, giáo viên xác định số lượng hoạt động, hình thức tổ chức và nội dung các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu ở trên.

Tuy nhiên, để hướng đến sự thích thú, say mê của học sinh với mỗi hoạt động đó thì giáo viên cần lựa chọn cách tổ chức phù hợp nhất, làm sao để học sinh phát huy tối đa khả năng và hiểu biết của bản thân, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với tập thể.

Trong quá trình thiết kế, giáo viên nên có sẵn những dự kiến và phương án giải quyết cho những tình huống không theo ý muốn có thể xảy ra để có thể chủ động điều chỉnh nhằm tránh sự lúng túng, kéo dài thời gian, thậm chí là không đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo cho các tiết dạy

Trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên không thể bỏ qua vai trò của các đồ dùng, phương tiện dạy học. Việc lựa chọn được những đồ dùng phù hợp và có chất lượng không chỉ làm tăng hiệu quả của việc khai thác, phát hiện kiến thức mà còn tạo ra sự thích thú cho học sinh.

Ngay từ khâu soạn bài, giáo viên đã phải xây dựng kèm theo đó là danh sách các đồ dùng dạy học có liên quan. Từ danh sách này, giáo viên phải kiểm tra trên thực tế tại các phòng đồ dùng xem các đồ dùng đó có đủ để đáp ứng về số lượng và chất lượng hay không, nếu không thì phương án giải quyết là gì.

Trong nhiều trường hợp, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị những đồ dùng nhất định. Khi được tự chuẩn bị, học sinh sẽ phải nghiên cứu tài liệu để hiểu về vấn đề được giao tức là các em đã được học tập thêm một lần nữa.

Ví dụ: Khi sử dụng tranh vẽ “Thí nghiệm về hô hấp ở thực vật” (hình 12.1 SGK, trang 151, sinh 11) để khai thác phát hiện kiến thức mới, giáo viên phải hướng học sinh chỉ ra được: Vì sao nước vôi trong ống nghiệm bên phải bình chứa hạt nảy mầm bị vẩn đục? Giọt màu trong ống mao dẫn di chuyển như thế nào, vì sao lại như vậy? Vì sao nhiệt kế trong bình cao hơn nhiệt độ không khí bên ngoài? Từ đó, hướng học sinh đến kết luận về quá trình hô hấp ở thực vật.

Tổ chức các hoạt động dạy học

Một số cách tổ chức các hoạt động học tập được cô Kim Bình chia sẻ như sau:

Tổ chức dạy học theo nhóm sử dụng kĩ thuật “Khăn phủ bàn”: Để tiến hành kĩ thuật này, giáo viên chia học sinh thành nhóm (4 người/nhóm), mỗi người ngồi vào một vị trí đã được sắp xếp. Mỗi nhóm được nhận một tờ giấy có chia các ô dành cho hoạt động của từng cá nhân, ở giữa là ô trống dành cho kết quả chung của nhóm sau khi đã thống nhất ý kiến.

Giáo viên đưa ra câu hỏi chung cho mỗi nhóm. Các cá nhân tập trung vào các câu hỏi được giáo viên giao cho, hoạt động độc lập trong khoảng vài phút, viết đáp án vào ô của mình. Khi mọi người đều đã xong, cả nhóm bắt đầu chia sẻ và thảo luận về các câu trả lời. Tiến hành viết những ý kiến chung của cả nhóm vào ô giữa tấm khăn phủ bàn.

Tổ chức dạy học theo nhóm sử dụng kĩ thuật “Các mảnh ghép”: Để thiết kế, giáo viên cần lựa chọn nội dung/chủ đề phù hợp, xác định một nhiệm vụ phức hợp cần giải quyết ở vòng 2 dựa trên các nhiệm vụ khác nhau đã thực hiện ở vòng 1. Học sinh được chia thành các nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên trong nhóm.

Trong quá trình tiến hành, ở vòng 1 giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm 3 hoặc 4 người, mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ, đảm bảo mỗi thành viên trong nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao, mỗi thành viên đều trình bày được kết quả câu trả lời của nhóm.

Ở vòng 2, giáo viên hình thành nhóm 3 hoặc 4 người mới là sự kết hợp giữa mỗi thành viên trong mỗi nhóm trên, các câu trả lời và thông tin của vòng 1 được các thành viên nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau. Sau khi chia sẻ xong thông tin ở vòng 1, nhiệm vụ mới sẽ được giao cho nhóm vừa lập để giải quyết. Các nhóm mới trình bày, chia sẻ kết quả nhiệm vụ ở vòng 2.

Tổ chức dạy học theo nhóm có sử dụng phiếu học tập: Ngoài những kĩ thuật dạy học trên, giáo viên còn có thể tổ chức dạy học theo phiếu học tập. Với cách tổ chức này, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung của bài để chọn ra những phần phù hợp, thiết kế các bảng biểu hoặc đưa ra những câu hỏi, bài tập với định hướng kèm theo để học sinh thảo luận nhóm và hoàn thành.

Tuy nhiên, điều quan trọng là thiết kế và tổ chức như thế nào để mọi thành viên đều phát huy được năng lực cá nhân cũng như biết cách phối hợp với tập thể nhằm tăng cường sự liên kết và khả năng thu nhận, tích lũy kiến thức.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

Khi được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin thì khả năng truyền tải ý tưởng của giáo viên cũng dễ dàng và phong phú hơn.

Để có thể sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, giáo viên cần phải đầu tư nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu cho thành thạo cách thiết kế bài giảng, cách khai thác các ứng dụng khác.

Đồng thời, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy để thiết kế những hoạt động dạy học phù hợp, có kế hoạch sắp xếp và khai thác hợp lí các tranh, ảnh, mô hình, băng hình,… sưu tầm được theo trật tự nhất định phù hợp với nội dung kiến thức từng phần.

Trong quá trình dạy học phải gắn kiến thức với thực tiễn

Sự gần gũi của kiến thức lí thuyết với thực tế giúp học sinh dễ dàng kiểm chứng, liên hệ đã trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy tính tích cực của học sinh.

Trong quá trình dạy học, ngay từ khâu soạn bài, giáo viên phải luôn đặt cho mình câu hỏi: Mỗi nội dung kiến thức có trong bài được gắn với những vấn đề nào trong cuộc sống? Làm thế nào để học sinh nhận thấy sự liên quan đó? Với bài dạy cụ thể trên lớp, giáo viên tìm cách để cho học sinh kết nối kiến thức vừa tìm hiểu với chính thực tiễn cuộc sống, nhờ đó một lần nữa khắc sâu kiến thức của bài học.

Ví dụ: Khi dạy bài 32. Tập tính của động vật (tiếp theo), giáo viên yêu cầu học sinh liên hệ với thực tế kể tên một số tập tính của động vật ứng dụng vào đời sống và sản xuất (giải trí, săn bắn, bảo vệ mùa màng, chăn nuôi, an ninh quốc phòng…)

Phụ đạo học sinh yếu kém bộ môn

Tiến hành phân loại học sinh trên cơ sở bài khảo sát đầu năm và thông qua quá trình giảng dạy từ đó sẽ chọn lọc ra những học sinh yếu kém để tiến hành phụ đạo vào thời gian trái buổi hoặc vào ngày chủ nhật.

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh chặt chẽ để truy bài cho các em vào những buổi chiều hoặc ngày chủ nhật nhằm giúp các em nắm kiến thức trọng tâm của từng bài học cụ thể.

Thường xuyên liên lạc với phụ huynh, kết hợp với phụ huynh hướng dẫn về biện pháp để giúp con em học tập để có kết quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.