8 lưu ý khi làm bài làm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia

GD&TĐ - Để hoàn thành tốt bài thi trắc nghiệm môn Toán, đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi THPT Quốc Gia 2019, các em học sinh cần lưu ý những điểm quan trọng sau đây:

8 lưu ý khi làm bài làm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia

1.  Bình tĩnh, tự tin, trung thực

Áp lực luôn tồn tại trong khi thi và nhất là áp lực tâm lý có thể gây phân tâm khi làm bài, ảnh hưởng đến kết quả thi. Để hạn chế tình trạng này, việc đầu tiên các em học sinh cần học tập nghiêm túc, trung thực trong khi thi, xác định đúng năng lực bản thân, không cầu may, không trục lợi.

Một số biện pháp giúp giảm căng thẳng, giúp lấy lại tinh thần bình tĩnh như là hít thở sâu, massage tai, buông bút và đọc lại câu hỏi ít nhất 2 lần, ghi nhớ từng phần nhỏ hơn là nhồi nhét kiến thức…

2.  Phân bố thời gian làm bài hợp lý

Đề thi gồm 50 câu hỏi, được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, trong 20 câu đầu tiên (cho đến 30 câu đầu tiên) là các câu hỏi mức độ thông hiểu, nhận biết. Do vậy các em học sinh nên tận dụng thời gian để chọn nhanh đáp án đúng, không nên dành quá 10 phút cho một câu nào đó lạ và khó.

3.   Đọc nhanh, đọc đủ, hiểu sâu

Điểm đặc trưng của hình thức trắc nghiệm là tốc độ làm bài để đo lường phản xạ của thí sinh trong một thời gian hạn chế. Vì vậy các em cần tổng hợp tất cả các dữ kiện đề bài cho, lựa chọn ưu tiên các dữ kiện quan trọn hơn để loại đáp án nhiễu càng nhiều càng tốt. Muốn làm được như vậy các em phải phân loại được đối tượng, nhận biết được kiến thức liên quan. Gạch chân những cụm từ quan trọng trong câu hỏi.

4.   Tận dụng tối đa máy tính cầm tay

Dùng kết quả đáp án để loại trừ đáp án sai là một phương pháp khá phổ biến. Bên cạnh đó là các tính năng lập bảng, lập hệ phương trình, giải nghiệm gần đúng,… cũng giúp các em học sinh rất nhiều trong quá trình làm bài. Một số câu hỏi dưới dạng tổng quát cũng có thể xử lý dưới dạng đặc biệt hóa một trường hợp cụ thể.

5.  Ghi nhớ và vận dụng nhanh các công thức tính nhanh

Trình bày ý tưởng gãy gọn, hạn chế thao tác thừa, áp dụng các kết quả đã được chứng minh mà không cần giải thích để rút ngắn thời gian xử lý một câu hỏi trắc nghiệm.

6.   Chọn phân khúc câu hỏi theo trình độ, không nên ôm đồm

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT (chủ yếu lớp 12), nên trong quá trình ôn tập các em có thể chia nhỏ thành nhiều chương, bài, chủ đề, số lượng câu hỏi trắc nghiệm nên cân đối theo ma trận đề thi. Các câu hỏi liên quan kiến thức lớp 10, lớp 11 thuộc các chuyên đề tổ hợp – xác suất, cấp số cộng – cấp số nhân; phương trình – hệ phương trình – bất phương trình, chiếm khoảng 8% đến 10% số lượng câu hỏi trong đề thi.

Nên tham gia làm các bài thi thử trực tuyến, hoặc làm trên giấy thi, làm bài nghiêm túc, làm đúng thời gian quy định.

7.   Không nên chủ quan với các câu hỏi vận dụng, liên hệ thực tế

Mặc dù câu hỏi thực tiễn chiếm số lượng ít trong đề thi, nhưng có tính thời sự, tính phân hóa cao,… đang là xu thế được nhiều trường ĐH chọn làm câu hỏi trong các kỳ thi đánh giá năng lực. Chính vì vậy các em cần tập luyện để không lúng túng khi đối mặt với những câu hỏi này.

8.  Tô đúng, tô đủ, không bỏ đáp án trống

Các em cần thực hiện việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) đúng quy định, theo sự hướng dẫn của giám thị phòng thi. Tùy thói quen, các em có thể chọn được đáp án của câu nào thì tô ngay câu đó. Tuy nhiên các em có thể khoanh chọn đáp án trên đề thi, sau đó mới tô trên phiếu TLTN 15 phút trước khi hết giờ làm bài, để hạn chế việc gôm, tẩy khi thay đổi lựa chọn đáp án.

Yếu tố may mắn luôn tồn tại trong một kỳ thi, nhưng trước khi các em “lụi” một đáp án thì loại suy càng nhiều càng tốt các phương án nhiễu, hoặc phỏng đoán các kết quả hợp lý hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ