Hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận rằng tình trạng bất ổn và bạo động toàn cầu đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Để đáp trả và ngăn chặn những nguy cơ đang lên của chiến tranh, trong năm 2016, Hoa Kỳ sẽ đổ vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quân sự một lượng tiền khổng lồ trị giá đến 80 tỷ đô la, tăng hơn 5% so với năm trước.
Quân sự, an ninh và vũ khí đang là một mảng kinh doanh đầy béo bở thu hút rất nhiều đối tượng khác nhau, từ các nhà thầu quốc phòng, các trường đại học khoa học công nghệ lẫn những công ty tư nhân mới nổi.
Những công nghệ mới hiện nay phục vụ cho hoạt động chiến tranh đang hướng dần đến xu hướng tấn công hơn là phòng ngự, đánh nhanh thắng nhanh, thắng áp đảo phủ đầu và không cho đối thủ có được cơ hội phản công.
Một số loại vũ khí chuyên hoạt động trong không trung, trên mặt đất, dưới mặt nước và thậm chí là cả trong không gian vũ trụ. Dưới đây là những loại công nghệ tiên tiến nhất hiện nay vừa được Bộ quốc phòng Mỹ và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao DARPA phát triển và công bố trong thời gian gần đây.
1. Đạn tự định vị mục tiêu
Kết hợp với một hệ thống cảm biến rất nhỏ, mỗi viên đạn công nghệ cao có kích thước 50mm đường kính này có khả năng thay đổi quỹ đạo nhanh chóng trong quá trình bắn ra và bay trong không trung. Điều này có thể giúp cho những tay súng bắn tỉa có khả năng bắn trúng những mục tiêu đang di chuyển một cách rất dễ dàng.
Loại đạn này được các nhà khoa học cam đoan sẽ có giá rẻ hơn những loại tên lửa định vị thường bị chệch khỏi mục tiêu đang được sử dụng hiện nay.
Các nhà khoa học đến từ DARPA, kết hợp cùng công ty công nghệ Teledyne Technologies, Orbital ATK và Phòng thí nghiệm Sandia đang ráo riết phát triển những bước cuối cùng để đưa loại đạn thần kì này sản xuất với quy mô lớn vào giữa năm nay.
2. Cỗ máy săn tàu ngầm không người lái
Ngày càng có nhiều nước bắt đầu phát triển loại tàu ngầm không thể bị định vị và phát hiện bởi công nghệ sóng âm. Loại tàu ngầm cao cấp này có khả năng ẩn nấp trong lòng biển sâu và xâm nhập phạm pháp lãnh hải của một nước trong nhiều tháng trời mà không bị phát hiện. Điều này đang khiến cho các quan chức chính phủ và Bộ quốc phòng Mỹ vô cùng lo lắng.
Chính vì thế, họ đã triển khai nghiên cứu và chế tạo một cỗ máy không người lái có tên là ACTUV có khả năng ngụp lặn dưới đáy biển trong một thời gian rất dài.
ACTUV sẽ được chế tạo với số lượng lớn, tích hợp công nghệ sóng âm thế hệ mới và ngư lôi có sức phá hủy cao để cày xới liên tục vùng lãnh hải. Tốc độ nhanh, mức phủ quét rộng, ACTUV hứa hẹn sẽ là một cơn ác mộng mới đối với các loại tàu ngầm trong tương lai.
3. Đại bác laser
Loại vũ khí khoa học công nghệ cao vốn chỉ tồn tại trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng này đã sắp trở thành hiện thực. Hải quân Mỹ đang kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống vũ khí laser tích hợp trên tàu USS Ponce đang hoạt động ở vùng Vịnh Ba Tư.
Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí cũng đang dự kiến triển khai vũ khí laser có kích thước lớn nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự khó tiêu diệt như tàu đánh bom có kích thước nhỏ hoặc máy bay không người lái.
Trong khi đó, trên mặt đất, hãng Boeing kết hợp cùng quân đội đang nghiên cứu một hệ thống vũ khí laser đặt trên xe tải có thể hạ gục nhanh gọn các loại vũ khí chiến tranh khác như súng cối hoặc máy bay.
Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh của Boeing là hãng Lockheed Martin cũng đang kết hợp với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm tạo ra các loại súng laser cầm tay dùng cho bộ binh.
Một trong những lợi ích của vũ khí laser là chúng có thể bắn liên tục với một nguồn năng lượng đầu vào khá thấp khi so sánh với các loại vũ khí khác. Tuy nhiên, tầm bắn của loại vũ khí này khá hạn hẹp vì chúng hao hụt năng lượng khá nhanh.
4. Nâng cấp tất cả đội tàu thành hàng không mẫu hạm (Aircraft Carrier)
Hàng không mẫu hạm là loại tàu có kích thước rất lớn có khả năng chở được máy bay. Tuy có sức công phá lớn nhưng loại tàu này vẫn có điểm yếu là tính linh hoạt chưa cao.
Chính vì thế, trong năm 2016, Bộ quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch biến tất cả đội tàu của mình trở thành “hàng không mẫu hạm”. Nói một cách khác, kể cả những loại tàu hải quân có kích thước nhỏ như tàu khu trục hay tàu tuần tra duyên hải cũng đều sẽ được bổ sung và tích hợp các phương tiện bay nhằm phát huy tính linh động và áp đảo tối đa trên chiến trường.
Tùy theo kích thước của tàu mà chúng sẽ được tích hợp từng loại máy bay riêng biệt, từ trực thăng lên thẳng cho đến các loại robot bay không người lái mang tên lửa.
Hiện nay, loại máy bay không người lái thế hệ mới có triển vọng lớn nhất trong việc tích hợp với tàu chiến dưới quy mô hàng loạt có tên là TERN DARPA.
Chúng có thể cất và hạ cánh rất nhẹ nhàng theo phương thẳng đứng bằng bộ động cơ đôi ở phần đuôi. Sau đó, động cơ này sẽ tự động chuyển sang phương nằm ngang để biến máy bay thành một chiếc phản lực. TERN sẽ chuyển thông tin mà chúng thu thập được về tàu mẹ với một mức độ bao phủ vô cùng lớn.
5. Tấm chắn plasma
Một loại công nghệ chiến tranh nữa chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như Chiến tranh giữa các vì sao (Star War) nay đã trở thành hiện thực. Đó chính là tấm chắn plasma.
Gần đây, hãng Boeing đã đệ trình bằng sáng chế cho một loại công nghệ có khả năng dùng plasma để tạo ra lá chắn vô hình, giúp bảo vệ các phương tiện và thiết bị chống lại sức công phá cũng như mảnh vỡ của các vụ nổ.
Nguyên tắc hoạt động của lá chắn này là làm ion hóa không khí, từ đó gây chệch hướng các làn sóng chấn động. Tuy nhiên, do là giai đoạn đầu mới phát triển nên loại tấm chắn plasma này vẫn còn khá yếu, không thể ngăn chặn lựu đạn hoặc tên lửa chống tăng tấn công trực diện.
6. Công nghệ tàng hình từ loài mực ống
Hiện nay, những loại hình ngụy trang hiện đại tuy có thể che giấu binh sĩ và các phương tiện chiến tranh dưới mắt thường, nhưng lại hoàn toàn vô hiệu với các máy quét hồng ngoại phát hiện nhiệt.
Chính vì thế, các nhà khoa học tại Đại học California hy vọng sẽ khắc phục được điểm yếu này bằng một loại sơn dựa trên cấu trúc protein trong mực của loài mực ống.
Mực ống có thể dùng một loại mực đặc biệt do chính cơ thể của chúng sản xuất ra để thay đổi màu sắc và mức độ phản xạ của làn da mình.
Loại protein này có tên gọi là reflectin có khả năng thay đổi bước sóng phản xạ và làm rối loạn các hệ thống quan sát.
7. Máy bay ném bom siêu tàng hình
Tuy vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên loại phương tiện chiến tranh công nghệ cao trị giá nhiều tỷ đô la này đang nhận được sự chú ý rất lớn từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Máy bay ném bom siêu tàng hình thế hệ mới sẽ có tính tàng hình mạnh đến mức gần như không thể bị phát hiện, tốc độ di chuyển vô cùng cao và khối lượng hàng hóa cũng như bom đạn mang theo được là rất lớn. Chiếc máy bay này sẽ tương tự như một sự kết hợp giữa “pháo đài bay” B-52 và các loại máy bay tàng hình B-2 có kích thước nhỏ.
Lớp vỏ máy bay có tích hợp chất phản quang, không những tránh được hệ thống radar mà còn có khả năng thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh.
Chúng sẽ đổi thành màu xanh nếu bay vào bầu trời ban ngày, màu trắng nếu đang bị mây che phủ và màu đen khi bay trong bầu trời đêm.
Và cuối cùng là hệ thống phân tích định vị đánh bom vô cùng chính xác sẽ khiến cho chiếc máy bay này trở thành một tử thần vô hình có khả năng hủy diệt rất lớn.
8. Vũ khí làm nóng chảy vệ tinh
Làm cách nào để phá hủy vệ tinh của đối phương? Cách đơn giản nhất là làm cho nó nóng chảy. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang phát triển một loại vệ tinh đặc thù có khả năng chuyên săn tìm và tiêu diệt vệ tinh của đối phương. Phương pháp rất đơn giản, chiếc vệ tinh tử thần này sẽ tập trung phản chiếu ánh sáng mặt trời vào mục tiêu.
Chỉ trong vòng hơn một tuần, sức nóng cao sẽ làm cho hệ thống xử lý và điều khiển của vệ tinh mục tiêu bị rối loạn và hư hỏng dần dần. Sau đó, vệ tinh này sẽ không còn di chuyển đúng hướng và bị rơi khỏi quỹ đạo. Khi ma sát với tầng bình lưu của khí quyển, vệ tinh sẽ bị đốt cháy và phát nổ, không để lại một dấu vết nào.