7 điều cần làm nếu bạn muốn sống lâu

GD&TĐ - Ăn cá ba lần một tuần, đi du lịch mỗi năm một lần giúp con người kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống.

7 điều cần làm nếu bạn muốn sống lâu

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân chúng ta lại gặp các vấn đề sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, nắm vững các phương pháp tăng cường sức khỏe dưới đây do People đúc kết giúp mọi người, đặc biệt là các cụ già kéo dài cuộc sống khỏe mạnh. 

Ảnh: TT.
 

Ngủ trưa

Một nghiên cứu của Đại học Y Washington (Mỹ) chỉ ra việc mất ngủ hay ít ngủ sẽ tăng nguy cơ lão hóa nhanh. Khoa Tâm lý của Bệnh viện Dưỡng lão Bắc Kinh (Trung Quốc) khuyên một giấc ngủ tốt có vai trò quan trọng trong việc hồi phục tinh thần, sức khỏe, tăng cường trí nhớ và hệ miễn dịch. Người cao tuổi thường mắc chứng mất ngủ hoặc ngủ không ngon nên buổi trưa là khoảng thời gian tốt để nghỉ ngơi.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục giúp "đốt cháy" lượng đường và chất béo trong cơ thể, thiện chức năng tim và phổi, tăng cường sức đề kháng. Các bài tập được khuyến khích bao gồm chạy bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu.

Trước khi tập, cần khởi động làm nóng người. Lúc kết thúc, không nên dừng đột ngột mà thực hiện vài động tác điều hòa cơ thể. Bạn hãy chọn tập ở nơi bằng phẳng, khô ráo đồng thời mang giầy chống trơn.

Lưu ý, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đau tim, tức ngực, nhức đầu, chóng mặt thì dừng tập ngay và lập tức đến cơ sở y tế. 

Tránh vấp ngã

Cùng với tuổi tác, khả năng cân bằng và ổn định của cơ thể người già ngày một giảm đi, chức năng điều chỉnh phối hợp cũng suy yếu dẫn đến nguy cơ bị ngã tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có vấn đề về loãng xương dễ bị gãy xương sau khi ngã.

Vì các lý do trên, bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi không làm việc quá sức như mang nặng, bước lên ghế hay thang để lấy đồ trên cao. Ngoài ra, không nên mặc quần quá dài hay quá rộng, khi đi giày hạn chế mang giày có quai hoặc dây. Đặc biệt khi xuống cầu thang phải xuống từng bước một.

Mỗi ngày một quả trứng

Protein là chất dinh dưỡng thiết yếu nhất cần có trong cơ thể con người. Thiếu protein, các chức năng sinh lý sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ hấp thụ protein của người trên 60 tuổi chỉ bằng một phần ba so với người trẻ. Do vậy, người cao tuổi nên chú ý bổ sung protein.

Bác sĩ Cơ Trường Trân, Phó chủ nhiệm văn phòng dinh dưỡng Bệnh viện Dưỡng lão Bắc Kinh cho biết cơ thể rất dễ hấp thụ lòng trắng trứng; các chất khoáng, vitamin, lecithin trong lòng đỏ cũng có lợi cho sức khỏe người già. Để tăng cường thể chất, người cao tuổi nên được khuyến khích ăn một quả trứng mỗi ngày. Đối với những ai có lượng cholesterol cao thì giảm thành nửa quả. 

Mỗi tuần ăn cá ba lần

Hàm lượng protein trong cá không quá cao nhưng lại vô cùng quan trọng. Các chất dinh dưỡng trong cá cũng dễ hấp thụ hơn so với thịt bò, thịt cừu; phù hợp với hệ tiêu hóa lúc về già. 

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần

Khám định kỳ giúp kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe. Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, khám định kỳ còn có tác dụng theo dõi biến chứng, đánh giá hiệu quả điều trị cũng như tác dụng phụ của thuốc để từ đó điều chỉnh liều lượng, cách dùng thuốc.

Du lịch mỗi năm một lần

Có nhiều thời gian rảnh rỗi sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi dễ cảm thấy buồn chán và mất đi giá trị bản thân. Lúc này, đi du lịch là phương thức giải tỏa hiệu quả. Trong chuyến đi chơi, các cụ già còn có cơ hội làm quen và trò chuyện với những người bạn mới, giúp cải thiện tâm trạng cũng như thể chất.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ