6 nhiệm vụ quản lý chất lượng trọng tâm năm học 2024-2025

GD&TĐ - Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác quản lý chất lượng.

Học sinh Trường PTLC Phenikaa, Hà Nội.
Học sinh Trường PTLC Phenikaa, Hà Nội.

Ngày 26/8/2024, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 4697/BGDĐT-QLCL, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Hướng dẫn nhấn mạnh 6 nhiệm vụ liên quan đến tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Kỳ thi chọn học sinh giỏi; công tác kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; thực hiện công khai; triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế.

Theo đó, với việc chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Các đơn vị cần chủ động và có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị cho Kỳ thi và công tác tuyên truyền. Trong đó, cần tham gia góp ý tích cực, hiệu quả cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi thử khi có điều kiện, tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên và cán bộ tham gia tổ chức Kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí và tăng cường hiệu quả các khâu của tổ chức Kỳ thi.

Với Kỳ thi chọn học sinh giỏi, Bộ GD&ĐT lưu ý tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khách quan, minh bạch ở tất cả các khâu Kỳ thi chọn học sinh giỏi từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Nhiệm vụ tiếp theo được nhấn mạnh là tiếp tục bảo đảm nguồn lực và triển khai hiệu quả, thực chất công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông theo đúng quy định pháp luật. Khai thác, sử dụng dữ liệu kết quả kiểm định chất lượng giáo dục để phục vụ cho công tác quản lý, làm cơ sở cho việc huy động và phân bổ nguồn lực được hiệu quả để đầu tư cải tiến chất lượng và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT đồng thời yêu cầu tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ và thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, dịch vụ công trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Chú trọng việc quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ do các cơ sở giáo dục tổ chức và thực hiện. Tăng cường quản lý việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định và phân cấp. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Từng bước nâng cao năng lực thực hiện công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục bảo đảm đúng quy định.

Chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quy định của Bộ GD&ĐT về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT.

Cuối cùng, triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế hiệu quả theo kế hoạch, phản ánh đúng kết quả dạy, học của các cấp học. Chủ động tham mưu để bảo đảm nguồn lực để triển khai hiệu quả Kế hoạch được UBND cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để thực hiện “Đề án phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” ban hành kèm theo Quyết định số 468/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.