Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiểm định chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiểm định chất lượng giáo dục.

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa.
Sinh viên Trường ĐH Phenikaa.

Năm 2024 và năm 2025, Cục Quản lý chất lượng sẽ tiến hành rà soát để từng bước thống nhất hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong đó hướng đến phù hợp với chuẩn khu vực và quốc tế và khắc phục dần những bất cập theo thời gian khi triển khai công tác kiểm định.

Cụ thể, đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học: Cục Quản lý chất lượng tham mưu sửa đổi: Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT; Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT và Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT liên quan về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Mục đích để thống nhất và phù hợp với các chuẩn mới bổ sung của khu vực AUN-QA và điều kiện thực tế đại học Việt Nam hiện nay; đồng thời có tích hợp chuẩn chương trình đào tạo theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT lồng ghép vào các tiêu chuẩn, tiêu chí, tích hợp các hình thức đào tạo chính quy, thường xuyên, từ xa trên 1 chương trình chuẩn của mỗi trình độ như Luật Giáo dục đại học đã quy định; dự kiến ban hành trong năm 2024.

Còn đối với kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo đại học, Cục Quản lý chất lượng đang chuẩn bị các hội thảo lắng nghe thêm các bên liên quan để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn. Đồng thời tham chiếu thêm chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học của khu vực và thế giới, nhất là chuẩn của AUN-QA vừa ban hành phiên mới để sửa đổi, bổ sung vào Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT. Trong đó lưu ý tích hợp thêm Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành để đồng bộ hoá, thử nghiệm và có thể ban hành vào năm 2025.

Với công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam cần vừa thực hiện, vừa kiên trì nghiên cứu để hoàn thiện chính sách và các điều kiện để dần phù hợp với kiểm định chuẩn quốc tế nhưng không xa rời thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam từng giai đoạn phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.