5 thành phố lớn xứng đáng là đầu tàu giáo dục cả nước

5 thành phố lớn xứng đáng là đầu tàu giáo dục cả nước

(GD&TĐ) - Ngày 18/3, TP Cần Thơ đăng cai Hội nghị giao ban lần 2, cụm thi đua vùng 7 (gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ). Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý chủ trì.

Báo cáo của Trưởng cụm thi đua vùng 7 cho thấy sự phát triển của giáo dục của 5 thành phố nổi bật  về lượng và chất.   Các thành phố lớn đã chú ý xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực với nhiều chủ đề thiết thực như: an toàn giao thông, học sinh không đánh nhau, nói không với game online bạo lực…

Đáng chú ý: TPHCM nổi bật với phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”; Đà Nẵng với “Xây dựng nếp sống văn hoá đô thị”; Hà Nội với “Xây dựng nhà trường văn hoá- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”.

Việc cải tiến thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT được thực hiện tốt. Tất cả thủ tục hành chính ở 5 thành phố đều một cửa, tiến tới văn phòng không giấy thông qua ứng dụng CNTT.

Quang cảnh hội nghị
 Quang cảnh hội nghị

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học cũng đã được đầu tư tương xứng. TPHCM đã đột phá với “ Xây dựng trường học chất lượng cao, vì một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Đà Nẵng, Cần Thơ đưa nhiều  hội thảo đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đến từng trường; Hà Nội  quán triệt “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”. Tình trạng đọc chép, học vẹt, học tủ, học lệch chấm dứt. Học sinh yếu các cấp dưới 2%, học sinh giỏi các cấp từ 12 đến 73% thể hiện những bứt phá về chất lượng, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh. Học sinh bỏ học thấp, chỉ từ từ 0% đến 1,35%.

Ngành giáo dục 5 thành phố lớn luôn là nhân tố đi đầu và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nội dung giáo dục cũng như các sáng kiến. Hà Nội có 20.141 trường học với 1,4 triệu học sinh, năm qua dẫn đầu cả nước với 130 giải học sinh giỏi cấp quốc gia.  Ngành giáo dục thủ đô đang kết hợp với gia đình khắc phục chuyện học sinh đến trường bằng xe máy, biên soạn được bộ sách nếp sống văn minh Hà Nội, tham mưu với UBND thành phố định mức chi cho giáo dục 4 triệu đồng/học sinh trung học phổ thông; giáo viên mầm non được hưởng lương ngân sách…

TPHCM thay việc học Nghị quyết thành cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết được sự hưởng ứng toàn thể giáo viên; xây dựng đề án phổ cập mầm non 5 tuổi đến năm 2012, với kinh phí 2.700 tỉ đồng đã được HĐND thông qua. Đề án phổ cập ngoại ngữ (Anh, Nhật, Hoa, Nga, Đức…) cho giáo viên; đề án cán bộ y tế cho trường học…. Trong đó có sáng kiến để nữ sinh trừơng THPT kết nghĩa với trường sư phạm mẫu giáo để tạo nguồn giáo viên mầm non… 

Tại giao ban, đại diện ngành giáo dục thủ đô Hà Nội lưu ý: Các trường trung học trọng điểm quốc gia từng hoạt động rất hiệu quả như: Chu Văn An (Hà Nội), Quốc Học (Huế), Lê Hồng Phong (TPHCM)… giờ đã biến thành trường chuyên. Sao không tổng kết mà duy trì? Thực tế trong ngành có chuyện một người làm hiệu trưởng 2-3 trường ngoài công lập, quản lý thế nào?

Đại biểu ngành giáo dục TPHCM kiến nghị, cần sớm có qui chế với du học sinh, với các trường có yếu tố nước ngoài. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã phát huy hiệu quả, nhưng chưa biết lấy kinh phí ở đâu?

Lãnh đạo ngành giáo dục Cần Thơ đề nghị cần xem lại Thông tư 35/LB. GDĐT&NV về biên chế các phòng, ban, Sở, các chức danh do sự phát triển giáo dục mà ra như: cán bộ CNTT, Phòng công tác HSSV; Cần quan tâm đến chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên…

Trước ý kiến của các đại biểu, đại diện các vụ, cục chức năng của Bộ đã có sự trao đổi và hướng dẫn chu đáo, đồng thời ghi nhận trình lên cấp trên. Vụ Trung học nhắc nhở các Sở qui trình ra đề thi theo chuẩn mới; trước khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các tỉnh nên tổng kết kỳ thi năm trước để có kinh nghiệm.

Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV đề nghị các sở quan tâm hơn đến bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho HSSV cũng như  Chỉ thị 48/BCT về phòng chống tội phạm trong học đường. Vụ trưởng Vụ GD Mầm non tuyên dương mô hình kết nghĩa giữa trường mầm non và THPT để thu hút học sinh thi vào sư phạm mầm non của TPHCM, đồng thời lưu ý Hải Phòng, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phổ cập mầm non 5 tuổi.  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao thành tích mà 5 thành phố đã đạt được, xứng đáng là đầu tàu cả nước. Thứ trưởng chỉ đạo hướng tới, ngành giáo dục các thành phố lớn  phải quán triệt NQ Đại hội Đảng XI, NQ Đảng bộ các cấp, nhất là NQ 11/CP về tiết kiệm, giữ vững an sinh xã hội, chống lạm phát của Chính phủ. Việc đầu tư kinh phí, tăng học phí phải tương quan với chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục tiếp tục ưu tiên cho tín dụng sinh viên, học sinh, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đầu tư cho chương trình kiên cố hoá trường lớp, cũng như triển khai tốt đề án trường chuyên, trường dân tộc nội trú… 

                                                       Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ