5 năm phấn đấu giảm áp lực và quyền lao động của nhà giáo

GD&TĐ - Kết quả giáo dục đạt được vừa qua góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết ĐH Đảng XII; thực hiện chủ trương độc lập, tự cường, đưa nước ta hội nhập sâu rộng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Dưới góc độ đại diện cho cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn Ngành, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đồng hành, triển khai các chủ trương, hoạt động lớn của toàn ngành trong thời gian qua.

Qua đó, đồng thời cảm nhận được những tác động của kết quả đã đạt được tới đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Dưới đây là những dấu ấn chính sách giáo dục giai đoạn 2016-2020 tác động mạnh mẽ đến đội ngũ được Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ:

Quyền lao động của nhà giáo được mở rộng

Việc ban hành Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo động lực cho đội ngũ giáo viên.

Có thể nói tác động nhất của Luật Giáo dục 2019 là quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.

Theo đó, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non nâng từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên là bước đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Muốn giáo dục phát triển, đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao, không cách nào khác là nâng chuẩn người thầy.

Mặt khác, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho việc nâng bậc lương của nhà giáo ở các bậc học này khi xây dựng thang bảng lương.

Bên cạnh đó là việc Bộ đề xuất về chế độ phụ cấp ưu đãi; hướng đến thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp.

Cùng với việc trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với tư tưởng chủ đạo là trao quyền tự chủ phù hợp với năng lực thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học, theo sự phân tầng, xếp hạng đại học.

Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Việc trao quyền tự chủ gắn với cam kết chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học bảo đảm sự năng động, sáng tạo, nhưng phải công khai, được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng thời, bảo đảm quyền lợi của người học, dân chủ trong nhà trường, xây dựng môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, sáng tạo.

Mặt khác, Luật quy định trình độ tối thiểu của các giảng viên là thạc sĩ. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.

Cũng theo Luật này, giảng viên độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khác… theo quy định của trường đại học mà mình đang làm việc.

Như vậy, quyền lao động của nhà giáo được mở rộng, chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng lên.

Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy đội ngũ giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng khác.

Mặt khác, cơ chế tự chủ cũng phát huy quyền làm chủ của giảng viên và người lao động, là căn cứ để thực hành dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học.

TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. 

Chương trình mới tạo điều kiện giáo viên chủ động, sáng tạo

Chương trình mới xây dựng theo mô hình phát triển năng lực.

Bằng cách tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kỳ vọng.

Chương trình mới huy động tối đa sức sáng tạo của giáo viên; từ đó giúp phát huy toàn bộ năng lực, phẩm chất, kỹ năng của mỗi học sinh.

Việc đổi mới chương trình được xem là biến đổi lớn nhất từ trước đến nay, từ cách dạy đến sách giáo khoa.

Bài giảng cũng thay đổi nhiều về cả hình thức lẫn nội dung, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Bản thân mỗi giáo viên buộc phải thay đổi, nâng cao năng lực bản thân để thích nghi với chương trình mới.

Chương trình mới chủ trương tháo bỏ sự áp đặt cứng nhắc, cho phép giáo viên được chủ động, tự do sáng tạo.

Chương trình thiết kế mở và có nhiều bộ sách giáo khoa cũng thể hiện việc trao quyền chủ động cho giáo viên.

Giáo viên không cần cứng nhắc dạy đúng nội dung sách giáo khoa được chọn mà có thể thoát ly sách giáo khoa để thiết kế bài dạy mà mình thấy tốt nhất, phù hợp với học sinh.

Các tài liệu dạy-học, trong đó có sách giáo khoa chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu cần đạt của chương trình.

Bộ cũng triển khai sâu rộng phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” là chủ đề chính của các năm học, thúc đẩy và khơi nguồn sáng tạo vốn có của đội ngũ giáo viên, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

5 năm phấn đấu giảm áp lực và quyền lao động của nhà giáo ảnh 2

Nhiều chính sách mới với đội ngũ

Luật Giáo dục quy định, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành các chính sách về phát triển giáo dục mầm non; chính sách thu hút sinh viên vào học sư phạm; chính sách về nâng chuẩn đào tạo giáo viên mần non, tiểu học, trung học cơ sở…

Bộ cũng sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên, giáo viên các cấp học. Bộ đồng thời  bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để giảm áp lực cho giáo viên.

Những chính sách này có tác động tích cực, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo trong cả nước vươn lên, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, đạo đức nhà giáo, hoàn thành tốt sứ mạng “trồng người” của mình.

5 năm phấn đấu giảm áp lực và quyền lao động của nhà giáo ảnh 3

Giảm áp lực cho đội ngũ

Cùng ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chủ trương giảm áp lực cho giáo viên với các hoạt động ngoài chuyên môn.

Trước hết là giảm các loại sổ sách không đáng có.

Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị hạn chế hiện tượng các cơ quan quản lý giáo dục yêu cầu giáo viên phải làm hồ sơ, sổ sách nhiều hơn so với quy định.

Từ đó, giáo viên không bị mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, ảnh hưởng tới việc đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi và các hội thi nghiệp vụ khác cũng được chấn chỉnh, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; khắc phục tình trạng hình thức.

Chống bệnh thành tích trong giáo dục cũng được chú trọng.

Nghiên cứu đưa ra các tiêu chí thi đua hợp lý, phản ánh thực chất chất lượng giáo dục, lấy tiến bộ của học sinh làm thước đo.

Điều này cũng có tác động tích cực tới việc giảm tải cho giáo viên.

5 năm phấn đấu giảm áp lực và quyền lao động của nhà giáo ảnh 4

Xây dựng hình ảnh đẹp về nhà giáo, nhà trường

Bên cạnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ để đổi mới giáo dục, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng chú trọng xây dựng môi trường sư phạm an toàn, văn minh, thân thiện.

Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”.

Đề án nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ đó, góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Cùng triển khai Đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành đã triển khai hoạt động xây dựng “Trường học hạnh phúc” với ba tiêu chí quan trọng là yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Mô hình trường học hạnh phúc là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành Giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra.

Một trong những hoạt động được toàn ngành quan tâm thực hiện là việc phát hiện, tôn vinh và lan tỏa những tấm gương nhà giáo tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp giáo dục.

Các hoạt động tôn vinh “Nhà giáo của năm”, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo, thi clip “Thầy cô trong mắt em”, Chương trình truyền hình “Thay lời tri ân”…

Các hoạt động này đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp, lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp của đội ngũ giáo giới cả nước; lan tỏa tấm gương thầy, cô giáo gương mẫu, tận tụy, vượt khó vươn lên, yêu thương học trò; hăng hái thi đua, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và công tác.

Tuy nhiên, bất cứ sự đổi mới nào cũng hàm chứa khó khăn, thách thức.

Mặc dù toàn ngành đã cố gắng nỗ lực vượt bậc nhưng đâu đó vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên quen với tư duy cũ, ngại đổi mới, chưa thực sự tâm huyết với nghề, chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề giáo, nhà giáo, ảnh hưởng đến uy tín và những thành quả của ngành.

Chắc chắn, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải quyết tâm cao hơn nữa để khắc phục những tồn tại, hạn chế; đưa giáo dục vượt lên, xứng đáng với vị thế “quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm kỳ 2016- 2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục. Toàn ngành nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 (khóa XI) của Đảng.

Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ những nút thắt trong hoạt động giáo dục, toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường hội nhập quốc tế.

Những kết quả đạt được của ngành Giáo dục nhiệm kỳ 2016-2020 góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; thực hiện chủ trương độc lập, tự cường, đưa nước ta hội nhập sâu rộng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.