Tuy nhiên cho đến nay, khi nói về những hạn chế cần ưu tiên giải quyết, vấn đề chính sách đối với nhà giáo vẫn luôn hiện hữu ở phần nguyên nhân.
Chính sách từ nguồn đào tạo
Là người trong cuộc, chúng tôi cho rằng, chính sách đối với nhà giáo không đơn thuần chỉ là sự ưu ái về đãi ngộ đối với những người đang thực hiện nhiệm vụ dạy học. Chính sách phải bắt đầu từ nguồn đào tạo, đến môi trường đào tạo và sử dụng đội ngũ nhà giáo. Nghĩa là, chính sách phải làm cho người thầy giáo thực sự yêu nghề, tận tâm với nghề, có năng lực và sức khỏe tốt, cống hiến một cách có hiệu quả cho giáo dục nước nhà. Nói cách khác, phải tạo điều kiện và cơ hội để nhà giáo thể hiện được hình ảnh và vị thế của người thầy trong xã hội.
Hình ảnh của người thầy là phẩm giá, là năng lực giáo dục và ngoại hình phù hợp với nghề. Do vậy, nguồn đào tạo phải được tuyển chọn kĩ càng với những tiêu chuẩn cần thiết đối với người sẽ làm nhiệm vụ dạy học. Không ít trường hợp, chúng ta đã có những cách nhìn phiến diện về tiêu chuẩn của GV mà nhấn mạnh khía cạnh này, coi nhẹ khía cạnh khác. Thiếu đi một vài tiêu chuẩn cần thiết của người thầy giáo thì hiệu quả giáo dục cũng sẽ không trọn vẹn. Một người không mấy quan tâm đến giáo dục, không thiện cảm với nghề dạy học, không có mục đích rõ ràng về ngành nghề đặc thù này mà chỉ là “chuột chạy cùng sào” thì khó thành công trong sự nghiệp. Một người bước vào trường sư phạm với một nền tảng kiến thức thiếu cơ bản và nền tảng văn hóa hạn chế thì khó có thể trở thành GV giỏi.
Có câu chuyện, một GV đã hơn 20 năm trong nghề tình cờ gặp một phụ huynh (vốn là người quen), khi hỏi về định hướng nghề nghiệp cho con mình (đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT) thì được vị phụ huynh trả lời một cách hồn nhiên: “Học như nó thì cũng chỉ đi sư phạm thôi cô giáo ạ”. Thật buồn khi đây lại là câu chuyện hoàn toàn có thật…
Một thời gian, chúng ta loay hoay tìm kiếm một vài giải pháp để khả dĩ thay thế hoặc bổ sung cho đào tạo GV theo cách truyền thống và thực tế chúng ta cũng đã từng chứng kiến một số quốc gia có cách thức đào tạo theo kiểu tiếp nối (đào tạo 1 - 2 năm về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học sau khi tốt nghiệp và trải qua công tác từ các lĩnh vực khác). Thiết nghĩ, với tính chất rất đặc thù của nghề dạy học, việc tuyển chọn GV phải đặt ra ngay trước khi vào trường sư phạm, nghĩa là cần có chế độ sơ tuyển. Chúng ta đã từng thấy, không ít quốc gia có nền giáo dục phát triển người ta rất quan tâm đến vấn đề nguồn tuyển cho đào tạo GV.
Môi trường đào tạo
Môi trường đào tạo phải thực sự là môi trường sư phạm, phải đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt về giáo dục trên thế giới. “Trường sư phạm là chiếc máy cái”. “Nguyên lý” ấy ai cũng biết, nhưng để có được sự nhận thức đầy đủ và nó thể hiện được vai trò đó trong hệ thống nền kinh tế - xã hội và ngay cả trong hệ thống GD – ĐT cũng là cả một vấn đề. Cách nhìn nhận không đầy đủ về “chiếc máy cái” đó đã làm cho trường sư phạm thiếu đi sự quan tâm đúng mức. Bằng chứng là, địa phương nào cũng có thể mở trường sư phạm, trường đa ngành nào cũng có thể đào tạo GV.
Các chủ thể đều nhận thức, chỉ cần một số giảng viên và phòng thí nghiệm, thư viện đạt mức khiêm tốn; không đủ giảng viên thì mời thỉnh giảng, thiếu phòng học thì đi thuê các cơ sở khác; thực hành thực tập thì ở đâu chẳng có trường phổ thông, trường mầm non… Không ít địa phương khi kêu thiếu, khi kêu thừa GV bộ môn, trong lúc các cơ sở sư phạm thì cứ xin chỉ tiêu, đào tạo càng nhiều càng tốt những chuyên ngành nào mình có mà không cần quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động. Khi nguồn cung sản phẩm đã vượt cầu về số lượng và thiếu cân đối thì giá trị sản phẩm về cơ bản sẽ được người tiêu dùng nhìn với một con mắt khác. Sự dễ dãi trong nguồn tuyển, sự thiếu đầu tư cho hệ thống đào tạo đã đẩy hàng vạn cử nhân và không ít thạc sĩ sư phạm vào đội ngũ những người thất nghiệp, nhiều người phải bất đắc dĩ đi tìm kế sinh nhai bằng những lối rẽ khác nhau.
Ngành GD-ĐT vừa có đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, điều này rất kịp thời và cần thiết. Nhân dịp này, chúng ta phải có những công trình nghiên cứu kỹ hơn để có khả năng dự báo khoa học, chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn và trong chiến lược dài hạn về phát triển của ngành. Đội ngũ nhà giáo của các trường sư phạm phải thực sự là chuẩn mực về các phương diện, phải thực sự mô phạm đối với giáo sinh. Bởi, chúng ta không thể có đội ngũ GV phổ thông và mầm non có chất lượng nếu như đội ngũ những người làm công tác đào tạo ở trường sư phạm kém chất lượng. Các trường sư phạm phải được đầu tư đầy đủ theo chuẩn mực đào tạo nguồn nhân lực giáo dục tiên tiến và luôn đi đầu trong tiếp cận khoa học giáo dục hiện đại. Các sản phẩm của trường sư phạm phải là những con người toàn diện, có nền tảng tri thức và văn hóa, có năng lực tiếp cận tri thức mới nhằm luôn tự làm mới mình; đủ khả năng để luôn theo kịp và đáp ứng được những yêu cầu về đổi mới của ngành.
Muốn vậy, nội dung chương trình đào tạo GV phải được đầu tư xây dựng theo hướng đào tạo ra sản phẩm thích ứng nhanh với những đổi mới trong giáo dục; có phương pháp tiếp cận tri thức mới một cách chủ động, có đủ tự tin và bản lĩnh để giải quyết tốt các tình huống trong giáo dục và dạy học.
Nhà nước cần có một chính sách ưu tiên hợp lí cho trường sư phạm và SV sư phạm, nhằm tạo sức hút để có được nguồn cung cũng như năng lực đào tạo tốt nhất. Trường sư phạm phải đi trước trường phổ thông. “Cỗ máy cái” phải kịp thời định hướng cho giáo dục phổ thông trên cơ sở nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cũng như xu hướng phát triển của giáo dục thế giới.
Nói cách khác là phải “biết giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non cần gì”, chứ không phải “nhìn xem họ đang làm gì” để làm cơ sở cho đào tạo GV. Một thời gian khá dài, không ít trường sư phạm tiếp nhận các GV có kinh nghiệm ở trường phổ thông để đảm trách môn phương pháp giảng dạy. Về phương diện nào đó, các giáo sinh có thể học hỏi được kinh nghiệm dạy học của các bậc thầy đi trước. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là giải pháp tích cực.
Chúng ta đang nhìn nhận phương pháp giảng dạy đơn thuần là một thứ kinh nghiệm, có tính chất tĩnh, mà không quan tâm đến sự đổi mới, phát triển của khoa học giáo dục, đặc biệt là lí luận dạy học. Thiết nghĩ, phương pháp dạy học hay phương pháp giáo dục nói chung là một khoa học, hơn thế nữa còn là một nghệ thuật. Nó luôn đòi hỏi cách tiếp cận phương pháp hiện đại, từ đó kiến tạo cho mình phương pháp phù hợp với từng hoàn cảnh, thậm chí từng bài giảng cụ thể. GV có kinh nghiệm ở trường phổ thông có thể được mời thực hiện một số bài giảng mang tính minh họa để các giáo sinh tham khảo.
Vấn đề sử dụng
Việc sử dụng GV phải định hướng việc làm phù hợp với đào tạo và chế độ đãi ngộ. Không để xảy ra tình trạng quá thừa, thiếu GV hoặc sử dụng không phù hợp chuyên môn đào tạo như thời gian qua. Việc các trường sư phạm một thời gian dài vắng bóng những người học giỏi ở phổ thông một phần là do chính sách đãi ngộ, nhưng chủ yếu là khó khăn về việc làm.
Trong chính sách đãi ngộ cần hướng tới tính hiệu quả trong công tác, phải tạo cho GV có được môi trường sư phạm thực sự để họ có được niềm vui nghề nghiệp, có động lực và trách nhiệm cống hiến. Vấn đề đã được nhiều người trong cuộc, nhiều chuyên gia phát biểu trên các diễn đàn, trên các phương tiện truyền thông. Thiết nghĩ, cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tạo được môi trường sư phạm không chỉ là công việc riêng của nhà trường và người thầy giáo, nó phải được sự quan tâm của toàn xã hội.
Hai là, làm sao để nhà giáo sống được bằng lương. Người thầy giáo luôn phải bận tâm về áo cơm sẽ khó có thể tận tâm với nghề. Ngoài giờ dạy, họ phải làm thêm để kiếm sống với những công việc đôi khi không phù hợp với nghề dạy học, thậm chí có khi ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của người thầy giáo. Phải nói rằng, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và cố gắng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để các thầy cô giáo có thể dồn tất cả trí tuệ và nhiệt huyết cho “sự nghiệp trồng người”, những chính sách hiện nay là chưa đủ.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ nhà giáo, cần thay đổi tư duy quản lý nhằm giải phóng áp lực về công việc sự vụ cho nhà giáo, đặc biệt là GV phổ thông. Việc mỗi thầy cô giáo cần dành thời gian để trau dồi, rèn luyện và nâng cao trí lực là điều hết sức quan trọng. Các nhà quản lý giáo dục cần trả lại thời gian, không gian cho GV để một mặt, họ tập trung cho công việc chuyên môn, mặt khác để có điều kiện thư giãn tinh thần nhằm tái sản xuất sức lao động.
Vấn đề quản lý
Ngày nay, HS có điều kiện để tiếp cận với kiến thức bằng nhiều con đường khác nhau. Nếu thầy cô giáo quanh năm chỉ “điệp khúc” những gì đã học ngày nào ở trường sư phạm mà không có gì bổ sung thì không thể đáp ứng được nhiệm vụ dạy học. Hiện tượng HS lơ đãng trong giờ học cũng từ lí do này.
Thiết nghĩ, việc tạo cơ hội để có được kiến thức phong phú, hệ thống, bền vững, phát huy được tư duy sáng tạo trong việc tiếp cận và tìm kiếm tri thức mới, người dạy sẽ có động lực vươn lên làm chủ tri thức để có đủ bản lĩnh và năng lực chuyên môn, kiến tạo cho mình phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả, đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục. Nói cách khác, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và hậu kiểm đối với GV, giúp họ thoát khỏi áp lực sự vụ để tập trung đầu tư thời gian, công sức cho việc dạy học.
Trong công cuộc đổi mới và chấn hưng giáo dục, đội ngũ nhà giáo có một vị thế vô cùng quan trọng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng từng nói: “Thành bại của giáo dục là phát triển đội ngũ GV”. Thế nhưng, trên thực tế họ lại không có tiếng nói nhất định mà chỉ là người thừa hành cuối cùng những mệnh lệnh của cấp trên một cách máy móc, thụ động.
Ai cũng hiểu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, nhưng tư duy nhiệm kì của các cấp lãnh đạo ở địa phương đã làm cho nhận thức chiến lược đó không còn tồn tại hoặc tồn tại một cách yếu ớt trong các chỉ đạo cụ thể. Giáo dục phải nhường chỗ cho những chỉ tiêu về phát triển kinh tế địa phương, bởi nó có “đáp số” ngay trong nhiệm kì của các cấp lãnh đạo. Có thể nói, nhà giáo là đội ngũ đông đảo nhất trong khối hành chính, sự nghiệp ở các địa phương, nhưng tiếng nói của họ lại có “âm lượng” nhỏ nhất.
Vị trí của người thầy đã được xã hội tôn vinh trong một chặng đường dài của lịch sử dân tộc, được thể hiện cụ thể trong “tam cương” (quân, sư, phụ), với quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Có người cho rằng, hình ảnh người thầy ngày nay đã bị “rớt giá”. Nghe qua, ai cũng có cảm giác là hồ đồ, nhưng đó lại là một thực tế. Sự rớt giá của người thầy phần lớn không xuất phát từ chủ quan của họ. Một hạt giống kém chất lượng được gieo trên đất cằn, không được dụng công chăm bón sẽ không thể có hoa thơm, trái ngọt.
Thiết nghĩ, có được một chiến lược giáo dục phù hợp, một tư duy quản lí giáo dục khoa học, quy trình tuyển chọn nguồn, môi trường đào tạo GV tốt, minh bạch trong tuyển dụng GV cùng với sự quan tâm của Nhà nước, xã hội, chúng ta sẽ được một đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.
Thời gian làm việc
Nhà nước đã có chủ trương tăng độ tuổi nghỉ hưu (62 tuổi với nam; 60 tuổi với nữ). Kéo dài thời gian làm việc của người lao động là một thực tế có tính khách quan, phổ biến đối với các quốc gia đang phát triển. Với một quốc gia đang có tuổi thọ bình quân tăng nhanh như ở Việt Nam, vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu có thể coi như một tất yếu. Tuy nhiên, với đặc thù của nghề dạy học cần phải nghiên cứu một giải pháp phù hợp, nhằm vừa thực hiện được chủ trương tăng độ tuổi làm việc, vừa bảo đảm cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đặc biệt là thời gian làm việc của GV tiểu học, mầm non và GV các môn học liên quan nhiều đến kỹ năng, khoa học và công nghệ.
Được biết, một số quốc gia có nền giáo dục phát triển, việc nghỉ hưu của GV phổ thông ở một khoảng lứa tuổi nào đó là một việc làm có tính chất mở. Nếu đáp ứng tốt các điều kiện về chuyên môn, sức khỏe, được các hội đồng GV đánh giá tích cực, họ có thể tham gia giảng dạy đến 70 tuổi hoặc nhiều hơn. Ngược lại, GV cũng có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn quy định. Tuy nhiên, với chúng ta, việc đi vào giải quyết cụ thể vấn đề là không hề dễ trong bối cảnh các mối quan hệ chằng chéo trong ngành Giáo dục ở các địa phương. Thiết nghĩ, nếu không giải quyết được vấn đề đội ngũ nhà giáo, những mục tiêu đổi mới khó có thể thực hiện được như kì vọng.