Chế độ, chính sách nhà giáo: Sao mãi trắc trở!

GD&TĐ - Sau 5 tháng tạm dừng, Quảng Ngãi có quyết định tiếp tục chi trả tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Học sinh huyện đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa/INT
Học sinh huyện đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa/INT

Địa phương này cũng đã ký công văn hỏa tốc quyết định chi 3,5 tỷ đồng để sở GD&ĐT tổ chức khen thưởng cho HS đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020. 

Quyền lợi chính đáng

Thầy Nguyễn Điển (GV Ngữ văn, Trường THPT Lý Sơn) vừa nhận được tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên đã tạm dừng từ tháng 7/2020 đến nay. 35 năm công tác, đến thời điểm này, mỗi tháng, thầy Điển nhận được khoảng 2,5 triệu đồng với khoản tiền trợ cấp thâm niên.

“Hai vợ chồng đều là giáo viên nên khi có thông báo tạm thời dừng chi trả khoản tiền này, gia đình mình phải tính toán lại chi tiêu. Với đồng lương giáo viên, những gia đình nào có con đang tuổi ăn tuổi học, nhất là học đại học khá chật vật khi không còn được chi trả phụ cấp thâm niên. Khi được nhận truy thu trở lại, chúng tôi rất vui. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, chi tiêu của mỗi gia đình nhà giáo mà đó là nguồn thu nhập chính đáng những gì chúng tôi xứng đáng được hưởng. Để giáo viên có thể sống được với nghề mà không buộc phải dạy thêm”.

Trước đó, từ ngày 1/7/2020, Quảng Ngãi ra thông báo tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho GV với lý do căn cứ vào Điều 7 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, quy định về tiền lương nhà giáo không còn chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung về phụ cấp thâm niên. Chính vì vậy, quyết định này của Quảng Ngãi đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của GV trong tỉnh khi các địa phương khác vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp này. Quảng Ngãi có trên 20.000 cán bộ, giáo viên trong diện được hưởng phụ cấp thâm niên. Tổng số tiền chi trả cho khoản này khoảng 28 tỷ đồng/tháng. Theo ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc chi trả trợ cấp thâm niên sẽ được thực hiện cho đến khi có những hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan.

Trước thềm năm mới 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký công văn hỏa tốc quyết định chi 3,5 tỷ đồng để sở GD&ĐT tổ chức khen thưởng cho HS đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020. Số tiền này, trước đó đã được chi để tổ chức khen thưởng cho HS nhưng do Sở Nội vụ cho rằng  không đúng đối tượng nên tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thu hồi. Việc làm này gây ra nhiều dư luận trái chiều, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận góp ý của báo chí và hủy bỏ quyết định thu hồi, không khen thưởng trước đó.

Thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn chia sẻ: Đây là tin vui với cả GV và HS. Với HS vùng nông thôn, nỗ lực học tập trong năm cuối cấp, ngoài việc để chắc chắn một suất vào các trường ĐH tốp đầu thì mốc 27 điểm là đích phấn đấu của nhiều em để lọt vào danh sách được khen thưởng. Khoản tiền thưởng sẽ giúp các em và gia đình giải quyết được vấn đề tài chính, ít nhất là trang trải học phí của năm học đầu tiên ở bậc đại học. GV chúng tôi cũng vui vì nhiều HS được khen thưởng chứng tỏ thành quả của đội ngũ trong quá trình dạy học.

Khi có thông tin số HS đạt 25 điểm trở lên với tổ hợp môn Ngữ văn – Lịch sử và Địa lý, 27 điểm với các tổ hợp môn còn lại sẽ không được tỉnh Quảng Ngãi khen thưởng, một số phụ huynh đã gọi điện cho thầy Sinh hỏi. “Tôi không biết phải giải thích thế nào với phụ huynh cho thấu tình đạt lý. Với HS càng khó nói, phải làm sao để các em không thấy hụt hẫng” – thầy Sinh chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Quế - SV năm thứ nhất Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế vui mừng khi biết những HS đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được khen thưởng trở lại. Quế là thủ khoa khối B của huyện Bình Sơn. “Tất nhiên, nếu không được khen thưởng, chúng em sẽ vẫn phải nỗ lực để đạt kết quả cao, nhưng nói thật chúng em thấy mình thiệt thòi hơn những anh chị khóa trước. Có chút hụt hẫng nữa”.

Còn trăn trở

Từ tháng 10/2020, GV Trường THPT Lý Sơn không còn được hưởng chế độ chính sách với các xã đảo đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân do đầu tháng 4/2020, 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Lý Sơn gồm Anh Vĩnh, An Hải và An Bình chính thức giải thể. Huyện đảo Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã khiến một số chế độ, chính sách liên quan đến các xã của huyện này không còn hiệu lực.

Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: “Ngoài việc GV bị cắt phụ cấp, không còn được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, quyền lợi của HS, SV cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chế độ ưu tiên trong thi cử, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, miễn giảm tiền học phí cho HS, SV đều không còn được ưu tiên như trước nữa”.

Theo thầy Long, cấp trên yêu cầu cắt phụ cấp ưu đãi của người lao động, chúng tôi buộc phải thực hiện nhưng nói thật rất bất cập. Đã có một số GV, nhất là GV trẻ có ý định xin chuyển về đất liền. Ít nhiều họ cũng có những so sánh khi đồng nghiệp công tác ở các xã vùng biển ở đất liền vẫn được hưởng, còn Lý Sơn là huyện đảo lại không.

Thầy Nguyễn Điển tâm tư: Điều kiện tự nhiên ở Lý Sơn rất khắc nghiệt. Như một tuần trở lại đây, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập do thời tiết xấu, tàu không thể ra vào đất liền được. Điều kiện công tác không khác gì so với trước khi không còn chính quyền cấp xã, trong khi các chế độ thu hút không còn nữa.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn gửi Bộ Nội vụ kiến nghị tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn. Cụ thể, UBND Quảng Ngãi đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng và đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng như huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ