Hướng nghiệp, tư vấn và định hướng thay vì ép buộc

GD&TĐ - Những thay đổi liên tục trong định hướng nghề nghiệp của con em mình ở lứa tuổi trưởng thành, đang là một vấn đề băn khoăn nhất của những bậc phụ huynh hiện nay. Đây là một vấn đề hướng nghiệp mà trong góc độ gia đình, nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi trưởng thành cũng chưa thể tìm ra giải pháp để có thể tư vấn cho con một cách hiệu quả.

Hướng nghiệp, tư vấn và định hướng thay vì ép buộc

Quay cuồng với... chọn nghề

Trao đổi tại buổi tư vấn hướng nghiệp do Trường ĐH Rmit tổ chức mới đây, một bà mẹ có con ở tuổi trưởng thành chia sẻ: “Khi con gái tôi còn học THCS tôi mong muốn và khuyến khích con học kiến trúc.

Đơn giản chỉ vì mình yêu thích kiến trúc, khi vào học THPT, con nói thích ngành Tâm lý, tới lớp 12 con lại mong muốn học ngành Truyền thông đa phương tiện... rồi con gái lại thay đổi ý định và đề nghị được học tài chính. Ban đầu tôi không đồng ý, vì hiện nay, nghề này có vẻ như đang dư thừa nhân lực. Sau khi con trao đổi và thuyết phục, tôi đã đồng ý để con theo học ngành Tài chính - Ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khoảng hơn 1 năm, con cũng không còn mặn mà hứng thú gì với ngành này nữa. Lo lắng cho con và sau nhiều lần trao đổi, tôi đã chuyển con sang một cơ sở đào tạo khác để tiếp tục theo học ngành Tài chính - Ngân hàng. Đến nay, sau 2 năm học tập con đã khẳng định là mình thực sự yêu thích và có đủ năng lực, sự tự tin để theo học ngành Tài chính - Ngân hàng...”.

Câu chuyện nêu trên cho thấy, sự thay đổi liên tục trong định hướng nghề nghiệp của con em mình, đang là một vấn đề băn khoăn nhất của không ít những bậc phụ huynh hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng các bạn trẻ đã bước vào học đại học, học nghề nhưng nghỉ học giữa chừng vì lý do không phù hợp với bản thân cũng đã xảy ra với nhiều gia đình. Đây là một vấn đề hướng nghiệp mà trong góc độ gia đình, nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi trưởng thành cũng chưa thể tìm ra giải pháp để có thể tư vấn cho con một cách hiệu quả.

Đánh giá về hiện tượng này, chuyên gia tâm lý cho rằng: Lứa tuổi trưởng thành thường bắt đầu trăn trở với việc lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp và có ý nghĩa... Tuy nhiên, ngày nay, khi các giá trị xã hội đang có nhiều biến động, trong khi sự phát triển tâm lý ở lứa tuổi thành niên chưa chín muồi. Vì vậy, đã xảy ra những sai lệch, dao động trong ý thức hướng nghiệp của các em.

Không phù hợp vẫn có thể thay đổi

Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (ĐH Rmit) nhận định: Đây là một sự việc phát sinh ngoài mong muốn và đương nhiên, cha mẹ sẽ là người cảm thấy buồn phiền và rất lo lắng. Câu trả lời là chúng ta không thể quyết định chính xác, với trường hợp này, dù chưa biết thích ngành nào nhưng ngành đang học đã được xem là không phù hợp. Tuy nhiên, với một quá trình nhất định đã theo học thì có nghĩa em đó hoàn toàn có thể hoàn thành nốt năm học cuối để ra trường và làm việc theo ngành đã học. Sau khi ra trường nếu muốn các em vẫn có thể chuyển ngành hoặc học trình độ cao hơn.

Với các bạn trẻ, cô Phoneix Ho chia sẻ: Những năm 80 thế kỷ trước, các bậc phụ huynh có rất ít lựa chọn định hướng nghề cho con mình, bởi khi đó chỉ có rất ít những ngành để học. Nhưng hiện nay, các em đang có rất nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, cần đi sâu tìm hiểu những kỹ năng chính trong nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Thay vì chỉ với niềm đam mê, cần cân nhắc đến những năng lực phù hợp.

Thực tế, rất ít người có thể tìm được một nghề nghiệp hoàn toàn phù hợp với mình. Một chương trình đại học chỉ có thể phù hợp với người học khoảng 60 - 70%. Bởi chương trình nào cũng sẽ có các môn học khiến cho các em hoàn toàn không thích. Lựa chọn ngành học phù hợp ở mức độ nói trên, đã là một bước đi đúng, và 30% còn lại là những kỹ năng chỉ có thể học được ở ngoài nhà trường, trong quá trình làm việc và tiếp xúc xã hội. Về phía gia đình, cần công khai tài chính với con, gia đình là nhà đầu tư đồng đều cho các con. Cho những gì có thể, và yêu cầu nhận lại những kết quả cụ thể từ con mình.

Sau khi đi làm, trong 2 năm đầu tiên, hầu hết đều phải bắt đầu làm từ những công việc thấp nhất, điều này chắc chắn là một trải nghiệm không hề dễ chịu. Nhưng từ năm thứ 3 trở đi, mới có thể hiểu được mình có những khả năng gì, cần phải học thêm cái gì hay làm ngành gì phù hợp - cô Phoneix Ho chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ