Lời khuyên giúp sinh viên tự tin xin việc sau khi ra trường

GD&TĐ - Trong tham luận tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Trần Đình Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) đã có những chia sẻ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Lời khuyên giúp sinh viên tự tin xin việc sau khi ra trường

Cần cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm

Điều đầu tiên, PGS Trần Đình Tuấn cho rằng, sinh viên cần tích cực học tập, rèn luyện, tiếp thu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài kiến thức được học tại trường, nên bổ sung cho mình các kỹ năng mềm để hòa đồng và thích nghi ngay với môi trường làm việc mới.

Để có được đều đó, trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, sinh viên phải thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội - nghề nghiệp, để nâng cao các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, giao tiếp tự tin, làm việc theo nhóm, các kỹ năng về tin học, ngoại ngữ phục vụ cho công việc sau này.

Sinh viên đồng thời nên tìm công việc làm thêm phù hợp để có sự trải nghiệm; như vậy sau khi đi làm vừa có bằng, vừa có kinh nghiệm, sự tự tin trong công việc.

Định hướng nghề nghiệp rõ ràng, xác định rõ mục tiêu việc làm

Lưu ý thứ 2, theo PGS Trần Đình Tuấn, sinh viên cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, xác định rõ mục tiêu việc làm, hướng đi phù hợp với bản thân để phấn đấu học tập, rèn luyện, phát huy khả năng của mình về lĩnh vực nghề nghiệp, mở rộng mối quan hệ với các cơ quan tuyển dụng, tạo thế mạnh khi tìm kiếm việc làm.

Nền tảng học vấn là yếu tố quan trọng, được tích lũy trong quá trình học tập và thể hiện ở chuyên ngành và bằng cấp, đây là yếu tố cần để tham gia trong quá trình tuyển dụng.

Tuy nhiên trong thực tế, theo các nhà tuyển dụng, văn bằng không phải là yếu tố quyết định mà là khả năng tiếp nhận và xử lý công việc của bản thân như thế nào trong quá trình làm việc thực tế.

Vì vậy, vấn đề căn bản rút ngắn “khoảng cách” giữa ứng viên và nhà tuyển dụng chính là việc xác định được mục tiêu nghề nghiệp, tiêu chí việc làm của mỗi cá nhân cũng như sự phù hợp với cá tính, tố chất của ứng viên khi tham gia vào quá trình tuyển dụng ở doanh nghiệp nào đó.

Thiết lập mối liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp

Với nội dung này, PGS Trần Đình Tuấn cho rằng, sinh viên sau tốt nghiệp cần thâm nhập thực tế, tìm hiểu nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp, nắm bắt những dự báo nhu cầu xã hội...; thiết lập mối liên lạc thường xuyên với các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên.

Hiện nay, có rất nhiều phương tiện thông tin, truyền thông tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động tìm đến nhau, từ các trang website tuyển dụng chuyên nghiệp hoặc các phương tiện như mạng xã hội, diễn đàn, hội nhóm.

Tuy nhiên, để “người tìm đúng việc” và “việc tìm đúng người” đều vẫn còn khá nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc xác định sở trường, định hướng công việc và tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tìm kiếm, khai thác việc làm sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo.

Những tố chất khác cần quan tâm

Theo PGSTrần Đình Tuấn, việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, chấp nhận khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đối mặt và đón nhận những thử thách, khó khăn mới với sinh viên cũng rất quan trọng.

Đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động cần phải được chú ý, quan tâm, đặc biệt khi được giao nhiệm vụ với những công việc đòi hỏi tính trung thực, trung thành.

Sinh viên cũng nên thể hiện rõ tham vọng tìm kiếm một công việc, bởi chính những tham vọng nghề nghiệp là lý do quan trọng để nhân viên cống hiến hết mình cho công việc.

Ngoài ra, thầy Trần Đình Tuấn cho rằng, sinh viên cần xác lập những kiến thức, kỹ năng về hướng nghiệp; lập kế hoạch bản thân; xây dựng mối quan hệ; rèn luyện tinh thần cởi mở, học hỏi. Chính những điều này sẽ tạo cho nhà tuyển dụng sự yên tâm nhất định và tạo bản thân người học có động lực, trách nhiệm theo đuổi nghề nghiệp mà họ đã lựa chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ