5 bệnh ung thư nguy hiểm nhất bất kỳ ai cũng có thể mắc phải
Giáo sư Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc BV K Trung ương cho biết, ung thư là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện từ khi sớm.
Theo GS Đức, quá trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh trên những người bề ngoài khỏe mạnh, chưa hề có triệu chứng của bệnh. Việc này giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, tăng số bệnh nhân được chữa khỏi lên.
Ung thư có thời gian dài tiềm tàng trong cơ thể con người. Tuy nhiên, 1 số bệnh ung thư dễ phát hiện sớm có thể tiếp cận bằng các biện pháp khám và sàng lọc như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư da, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng.
Còn đối với các ung thư ở sâu, xét nghiệm hiện nay chưa đủ khả năng để phát hiện từ khi khối u còn nhỏ. Chính vì thế, khi mắc những bệnh ung thư này người bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn và tỷ lệ tử vong còn ở mức rất cao.
Dưới đây là 5 bệnh ung thư khó phát hiện sớm được GS Đức khuyến cáo để người dân chú ý lắng nghe cơ thể để sớm phát hiện được bệnh mà kịp thời điều trị.
1. Ung thư dạ dày
Đây là loại bệnh phổ biến ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Ở nước ta, bệnh gặp nhiều ở cả hai giới, đứng vị trí thứ 2 ở nam giới sau ung thư phổi, và thứ 2 ở nữ giới sau ung thư vú.
Theo GS Nguyễn Bá Đức bệnh khó sàng lọc phát hiện sớm. Tuy nhiên những người có nguy cơ cao, tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch, khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn điều trị nội khoa không khỏi cần soi dạ dày để phát hiện sớm ung thư dạ dày.
2. Ung thư gan
Là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao đứng hạng thứ 3 trên thế giới. Bệnh chủ yếu ở các nước Châu Á và Châu Phi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư gan theo ghi nhận của tổ chức ung thư quốc tế công bố trên Globalcan năm 2012 thì tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới là 40,2 /100.000 dân, tỷ lệ ung thư gan ở nữ giới là 10,3/100.000 dân, đứng hàng thứ 3 về các bệnh ung thư ở nữ.
Ung thư gan là bệnh khó sàng lọc phát hiện sớm, chiến lược phòng chống ung thư gan là tiêm vắc xin phòng viêm gan B, hạn chế uống rượu.
Những người có nguy cơ cao, tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc Dioxin cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u định kỳ 3 – 6 tháng/lần để phát hiện ung thư gan.
3. Ung thư phối
Là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ. Trên thế giới năm 2008 có khoảng 951.000 nam giới và 427.400 nữ giới tử vong do ung thư phổi.
Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau ung thư gan, năm 2008 có 17.583 ca tử vong do ung thư phổi, trong đó nam giới là 11.070 ca và nữ giới là 6.513 ca.
Theo GS Nguyễn Bá Đức, ung thư phối khó sàng lọc phát hiện sớm, chiến lược phòng chống ung thư phổi chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào.
Những người có nguy cơ cao nghiện thuốc có thể làm xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối U (CEA, Cifra 2101, SCC) và chụp X quang phổi hàng năm.
4. Ung thư buồng trứng
Là bệnh khó phát hiện sớm trong nhiều trường hợp phụ nữ không hề có triệu chứng gì cho đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn. Hiện đang thử nghiệm do nồng độ chất CA 125 ở trong máu.
Chất này thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng, siêu âm qua đường âm đạo, xét nghiệm có thế giúp phát hiện sớm, khả năng này đang trong quá trình chờ đánh giá.
5. Ung thư xương
Là bệnh rất khó phát hiện, trẻ sau 12 tuổi có chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng độ tuổi cần quan tâm nếu có triệu chứng đau vô cớ trong xương.
Khởi đầu của triệu chứng đau thường mơ hồ, sau đó đau rõ từng đợt ngắn trong xương gây rất khó chịu. Đau thường xuất hiện ở đầu trên hoặc đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, xương chậu, xương bả vai.
Khi có các dấu hiệu nếu trên không có nghĩa là đã mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên bất kỳ các dấu hiệu đó cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị, được nhận những lời khuyên thiết thực của chuyên gia y tế.