Các anh chưa về…
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, câu hát ngân lên dọc con đường đưa tôi lên miền cực Bắc - miền chiến trận một thời có tên gọi Hà Tuyên. 5 năm súng đạn, 6 tháng cao điểm, 9 quân đoàn chủ lực hội tụ, tiêu biểu là các sư đoàn như 313, 314, 327, 356… đã lên đây.
Nhớ cữ này của vài năm trước lên với Vị Xuyên, gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 - Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh của Chiến trận Hà Tuyên, thiếu tướng đã công bố thêm những số liệu của cuộc chiến. Theo đó, để giữ vững vùng phên dậu, 4.000 chiến sĩ trên các vùng miền của Tổ quốc đã nằm lại, trong đó có 2.000 người được quy tập về Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên như ngày hôm nay. Ngoài những chiến sĩ đã hy sinh, cuộc chiến này cũng làm cho 9.000 con người nhẽ ra lành lặn, khỏe khoắn thành thương, bệnh binh!
Nghĩa trang Vị Xuyên nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ |
Những ngày này Hà Giang thường mưa và lạnh. Thế nhưng trong màn mưa lạnh ấy vẫn không ngăn được các bước chân để tìm về với Vị Xuyên. Rồi những bước chân ngấn bùn đất ấy lại rong ruổi lên tận các điểm cao để ngóng tìm, hương khói cho đồng đội chưa thể trở về quần tụ cùng nhau tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên.
Đàm Hương, nhà chếch phía trái ủy ban huyện, ngay bên đường quốc lộ số 2, nơi mà ngày xưa vốn là đường độc đạo để người lính hành quân lên các cao điểm ngăn bước quân thù. Tuổi thơ Hương có quãng đời tương đối nhọc nhằn bởi những lần sơ tán. Nhiều lúc thấm đầy nước mắt của sự sợ sệt trước tiếng pháo thù. Có khi lã chã tuôn rơi khi thấy những chiến sĩ trẻ măng ngã xuống trên chiến địa.
46 tuổi, mưu sinh với đủ thứ nghề để kiếm sống, nay Hương quyết định cùng chồng ra mở quán ăn. Hương bảo, mở quán, ngoài mưu sinh thì Hương còn muốn tạo thêm một địa điểm để tìm gặp lại những người lính đã sống và chiến đấu trên đất này những năm về trước. Quán khá đông khách, sở dĩ ngoài sự sởi lởi Hương còn chủ ý lấy giá rẻ cho những người lính khi bước chân trở lại đây, kiếm cái lót dạ rồi từ đó đi tiếp lên các điểm cao để kiếm tìm, hương khói cho đồng đội.
|
Hương cho biết, bắt đầu từ Tết, Vị Xuyên đã ngập tràn màu áo xanh của các cựu chiến binh. Suốt ngày các chuyến xe về nguồn, nghĩa tình đồng đội đến rồi đi. Vui nhất, khóc nhiều nhất và cười cũng nhiều nhất ấy phải kể đến ngày mà các cựu chiến binh Sư 356 coi là ngày giỗ đồng đội. Cách huyện Vị Xuyên chưa đầy 5 km, bên sườn đồi rộng và thoải, mặt nhìn ra sông Lô là Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên. Nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của gần 2.000 người lính trong đó có nhiều người chưa xác định được danh tính.
Nghĩa trang Vị Xuyên những ngày này dường như thức suốt đêm bởi người đến, người đi với nến hương được thắp, hoa tươi được đặt. Trong những người đã được quy tụ an nghỉ, còn thoảng đâu đó những ngậm ngùi của gần 2.000 chiến sĩ không may mắn, vẫn nằm bờ khe dốc đá.
Chung tay hàn gắn vết thương
Lê Thanh Hải vốn là chú bé chạy pháo, náu đạn ngày nào nay đã lên làm lãnh đạo huyện. Với bộ quần áo còn ẩm ướt do gặp mưa rừng trong lúc đưa khách lên Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên thắp hương về, Hải cho biết, những ngày này là huyện bận nhất. Ngoài đưa đón khách thăm chiến trường, viếng đồng đội ngã xuống còn là công tác đền ơn đáp nghĩa nữa.
Với 9.000 thương bệnh binh của cuộc chiến biên giới, do là tuyến lửa một thời nên Vị Xuyên đã trở thành một trong 11 huyện thị có nhiều đối tượng người có công ở lại. Vậy nên công tác đền ơn đáp nghĩa trong những ngày này ở huyện như một việc làm chính.
|
Từ Vị Xuyên, theo Quốc lộ số 2 đỏ lửa dạo nào, chúng tôi đi qua các địa danh như Phương Độ, Phương Tiến, Thanh Thủy… Xa xa, những cánh rừng, ngọn núi của các địa danh một thời với những tên gọi mỗi khi nhắc đến đều gợi nhớ những hình ảnh xiết lòng như: Thác gọi hồn, Đồi thịt băm, Lò vôi thế kỉ đã xanh cây. Nhưng để có màu xanh ấy là sự nằm lại của những người lính.
Sùng Đại Hùng - con trai của cựu Chủ tịch MTTQ Hà Giang Sùng Đại Dùng nổi tiếng một thời nay đã làm Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Theo ông Hùng, các đối tượng của chính sách Hà Giang có điều hết sức đặc biệt. Ngoài đối tượng thương bệnh binh của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ thì đất này còn có thương bệnh binh của chiến tranh biên giới.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang thì từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm cho Người có công. 186/195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 98% gia đình chính sách, Người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân cư nơi cư trú...
“Hãy về đây đồng đội ơi”, ca khúc của Nhạc sĩ Trương Quý Hải, chàng trai hào hoa người Hà Nội, nguyên là lính của Sư 356 may mắn còn vẹn nguyên cơ thể ngày trở về vang lên khắp các điểm cao của chiến trận một thời Hà Tuyên. Sông Lô mùa này xanh thẫm, bình yên đến mê mải như chưa từng có cuộc chiến đã xảy ra ở nơi đây. Và không ít người đã biết, để có sự bình yên ấy là cả một cuộc chiến dai dẳng với bao máu xương đã đổ xuống đất này!