Viết tiếp ký ức quê hương bằng nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Lê Thanh Toàn đã chọn lối đi riêng - nghiên cứu văn học dân gian quê hương, từ đó khắc họa sâu sắc bản sắc văn hóa vùng cực Nam Tổ quốc.

Thanh Toàn trình bày đề tài nghiên cứu khoa học của mình tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024. Ảnh: NVCC.
Thanh Toàn trình bày đề tài nghiên cứu khoa học của mình tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024. Ảnh: NVCC.

Từ tiếng kể của bà ngoại đến đam mê nghiên cứu

Sinh ra và lớn lên tại Cà Mau - vùng đất gắn liền với rừng U Minh, đầm lầy và những câu chuyện dân gian truyền miệng, Thanh Toàn (sinh viên năm 4, ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) mang trong mình niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa từ khi còn rất nhỏ.

Toàn kể, có những tối nằm bên bà ngoại nghe kể chuyện “Người già người chết, rắn già rắn lột da sống lại...” không chỉ là ký ức tuổi thơ, mà còn là mầm mống nuôi dưỡng tâm hồn nghiên cứu của nam sinh viên khoa Văn học.

"Lúc đó, em chưa nhận ra rằng đó là văn học dân gian, chỉ thấy những câu chuyện ấy thật gần gũi và cuốn hút. Sau này đi học, em mới nhận ra rằng, chính những ký ức mộc mạc ấy lại là di sản tinh thần quý báu, nơi lưu giữ tập thể ký ức và bản sắc văn hóa của cộng đồng, đó cũng chính là một đối tượng để nghiên cứu", nam sinh cho hay.

Toàn chia sẻ, trước nay, khi nhắc đến văn xuôi dân gian Cà Mau, người ta thường nhớ đến truyện kể Ba Phi hay truyện bà mụ đỡ sinh cho cọp - những tác phẩm đã được nghiên cứu, phổ biến rộng rãi, thậm chí đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ để tạo nên một bức tranh toàn diện. Toàn đặt câu hỏi: "Liệu văn xuôi dân gian Cà Mau chỉ gói gọn trong vài câu chuyện đó? Có phải số lượng tác phẩm như vậy là quá ít so với một vùng đất phương Nam từng trải qua quá trình khai phá, định cư lâu dài với bản sắc văn hóa riêng biệt?".

xa-quach-pham.jpg
Cảnh quê nhà của Thanh Toàn - Xã Quách Phẩm, tỉnh Cà Mau.

Từ những trăn trở ấy và kho tư liệu điền dã sẵn có, Toàn quyết định thực hiện đề tài “Đặc điểm loại hình văn xuôi dân gian trong văn học dân gian Cà Mau”.

Đây là bước đầu trong việc khái quát diện mạo văn học dân gian của địa phương, định vị những đóng góp riêng của Cà Mau vào nền văn hóa dân gian Tây Nam Bộ và cả nước.

Văn học dân gian không chỉ đơn thuần là những mẩu chuyện cổ, mà là cách người xưa lý giải, ứng xử và truyền lại những bài học đạo đức, tín ngưỡng, tâm lý xã hội.

Với Toàn, việc thực hiện đề tài này còn là cơ hội để trở về với ký ức tinh thần của người dân quê hương, nơi có ông bà, ba mẹ và những người thân yêu đã nuôi dưỡng bằng lời kể, bằng văn hóa sống hằng ngày.

giai-eureka-1.png
Đề tài “Đặc điểm loại hình văn xuôi dân gian trong văn học dân gian Cà Mau (từ tài liệu sưu tầm điền dã)” cũng là đề tài khóa luận tốt nghiệp của Toàn. Trước đó, đề tài này cũng lọt top đề tài đạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024.

Nỗ lực một mình

Đến với Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka, Lê Thanh Toàn chỉ có gần nửa năm để thực hiện nghiên cứu, bao gồm công việc chỉnh lý, tuyển chọn, phân loại tài liệu điền dã và tiến hành tìm hiểu về đặc điểm của các tác phẩm đó.

"Em làm đề tài này một mình, khó để giữ được sự khách quan khi tiếp xúc với đối tượng. Do đó, đôi khi phải bình tĩnh và phân thân thành một con người khác để tự phản biện chính mình", Toàn nói.

Không dừng lại ở một đề tài, Thanh Toàn đã có hành trình nghiên cứu xuyên suốt trong thời gian là sinh viên.

Trước khi thực hiện luận văn tốt nghiệp về văn học dân gian Cà Mau, Toàn từng có đề tài cấp trường mang tên “Đặc trưng tản văn về đề tài Sài Gòn - TPHCM từ năm 2000 đến nay”. Một là nơi ở, một là chốn về, cả hai đề tài đều được nam sinh thai nghén bằng tình yêu thật sự với hai vùng đất gắn bó.

Với riêng em, đó là sự đam mê với đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu là một hành trình đòi hỏi nhiều thời gian và sự cẩn trọng, do vậy, sự đam mê với đối tượng sẽ giúp bản thân mình vượt qua tất cả những trở ngại về tinh thần trong suốt quá trình thực hiện đề tài", Thanh Toàn chia sẻ.

TS. La Mai Thi Gia, Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM nhận xét trong buổi bảo vệ của sinh viên Lê Thanh Toàn, khóa luận này là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, thể hiện sự đầu tư lớn cả về tư liệu lẫn tư duy khoa học.

“Khóa luận của Thanh Toàn là một nỗ lực nghiêm túc, cho thấy sự đầu tư bài bản cả về nội dung lẫn phương pháp. Toàn không chỉ sưu tầm, hệ thống hóa mà còn thể hiện rõ bản lĩnh khoa học thông qua việc phân tích đặc điểm thi pháp và giá trị văn hóa – xã hội của từng loại hình văn xuôi dân gian.

Đề tài cũng mạnh dạn mở rộng so sánh với các địa phương khác ở Tây Nam Bộ, từ đó góp phần bổ khuyết khoảng trống trong nghiên cứu văn học dân gian khu vực này. Toàn đã thể hiện rõ đam mê, tinh thần trách nhiệm và sự trân trọng với kho tàng di sản văn học dân gian quê hương mình", TS Gia nói.

kltn-3162025-1-min.jpg
Buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của nam sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM).

Bên cạnh niềm vui khi đạt giải thưởng, giá trị mà Toàn trân trọng nhất chính là sự trưởng thành trong tư duy nghiên cứu, ý thức trách nhiệm với văn hóa địa phương và mối gắn kết sâu sắc hơn với gia đình.

Sắp tới, Toàn bày tỏ mong muốn tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu văn học - văn hóa dân gian Tây Nam Bộ, đặc biệt là các yếu tố có khả năng ứng dụng vào đời sống đương đại. Với sự kiên định và lòng yêu văn hóa sâu sắc, chàng trai trẻ hứa hẹn sẽ còn góp thêm nhiều “mảnh ghép” giá trị cho bức tranh văn hóa dân tộc trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U22 Việt Nam tích cực rèn quân cho giải Đông Nam Á.

U22 Việt Nam chia tay 8 cầu thủ

GD&TĐ - Sau hai trận đấu tập với U22 Đài Bắc Trung Hoa, HLV Kim Sang Sik rút gọn danh sách đội tuyển U22 Việt Nam xuống còn 28 cầu thủ.

V (BTS) sánh cùng Ronaldo, Messi

V (BTS) sánh cùng Ronaldo, Messi

GD&TĐ - V (BTS) xếp thứ ba trong danh sách những người có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu, sau Ronaldo và Messi.