4 dấu hiệu báo động bạn có thể mắc bệnh viêm gan

BSCC. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai khuyến cáo người dân cần chú ý 4 dấu hiệu điển hình dưới đây để khám và điều trị kịp thời vì rất có thể bạn đã mắc bệnh viêm gan.

4 dấu hiệu báo động bạn có thể mắc bệnh viêm gan

Theo BS. Nguyễn Quang Tuấn, hiện nay có 5 loại virus viêm gan được công nhận là virus viêm gan A, B, C, D và E. Trong đó viêm gan B, C và D thường gây viêm gan mạn tính, tiến triển tới xơ gan, ung thư tế bào gan và tử vong. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, trên thế giới có khoảng 2 tỉ người đã từng bị nhiễm virus viêm gan B, hiện tại có khoảng 240 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn. 

Hàng năm trên thế giới có 500-700 nghìn người tử vong vì hậu quả của nhiễm virus viêm gan B như xơ gan và ung thư gan. Có khoảng 170 triệu người nhiễm virus viêm gan C và 3-4 triệu người mắc mới mỗi năm.

Việt Nam là nước nằm trong khu vực nhiễm virus viêm gan B cao với tỉ lệ nhiễm trên 8% dân số. Các nghiên cứu trong nước công bố với kết quả nhiễm virus khác nhau, tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B dao động từ 10-20%; viêm gan C chiếm 2-3% dân số, thường gặp ở nhóm có nguy cơ cao như những người tiêm chích ma túy, bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ, gái mại dâm…

Triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus viêm gan cấp chủ yếu với 4 triệu chứng sau:

1. Sốt nhẹ

2. Mệt mỏi

3. Chán ăn

4. Da và củng mạc mắt vàng

Tuy nhiên, BS. Tuấn cho biết, với các trường hợp nhiễm virus mạn tính các triệu chứng thường không điển hình, rất nhiều bệnh nhân không có các triệu chứng lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.

Phòng bệnh viêm gan cách nào?

BS. Tuấn khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và C, người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm nhiễm virus viêm gan B (HBsAg) và viêm gan C (Anti-HCV), nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao như: Những người trong gia đình hoặc sống cùng với người bị nhiễm virus viêm gan B, C. 

Những người có tiền sử tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, chạy thận nhân tạo chu kỳ. Nhân viên y tế, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với virus viêm gan B là tiêm vắc xin cho trẻ em theo chương trình TCMR và tất cả mọi người chưa bị nhiễm virus viêm gan B.

Bên cạnh đó để đề phòng nhiễm virus viêm gan B cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần, các dụng cụ y khoa vô khuẩn, quan hệ tình dục an toàn… 

Đối với phụ nữ nhiễm virus viêm gan B mang thai cùng với khám thai người mẹ cần được xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm virus viêm gan B để có các biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con như mẹ uống thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ khi tải lượng virus của mẹ cao và tiêm kháng huyết thanh cùng vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh.

Đối với virus viêm gan C chưa có vắc xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp chung như sàng lọc máu, các chế phẩm máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần, các dụng cụ y khoa đảm bảo vô khuẩn…

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ