30 năm tình nguyện chăm nom cột mốc

GD&TĐ - Suốt 30 năm qua, già Phan Định Xiết, 73 tuổi, người dân tộc Dao, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) tình nguyện chăm nom mốc biên giới, giáp đất bạn Lào. Với ông, đó là trách nhiệm của mỗi người dân với Tổ quốc mình.  

30 năm tình nguyện chăm nom cột mốc

Lên bản Suối Tút

Trong chuyến công tác về vùng biên cuối năm, chúng tôi được Thiếu tá Trần Văn Đoàn, cán bộ địa bàn Đồn Biên phòng Quang Chiểu dẫn lên bản Suối Tút thăm già Phan Định Xiết. Ông là người tình nguyện chăm nom cột mốc 285, 286, 287 gần 30 năm qua… Đường lên bản Suối Tút vốn gập ghềnh với những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo, nay lại càng khó đi hơn do hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử hồi đầu tháng 9/2018. Chiếc xe máy của Thiếu tá Đoàn cứ nhảy chồm chồm như con “ngựa sắt”, vượt qua đá hộc, ổ gà trên cung đường khúc khuỷu...

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi mới tới được nhà già Phan Định Xiết. Già Xiết dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn ra đón khách. Vừa nhìn thấy Thiếu tá Đoàn, già Xiết chạy lại, giang hai tay ôm chặt lấy anh rồi ngửa cổ cười khà khà. “Lâu rồi không được gặp các con, bố nhớ lắm à! Hôm nay lên thăm bố nhất định phải ở lại uống rượu thật say. Không là bố không ưng cái bụng đâu”, dứt lời già Xiết lại cất tiếng cười sảng khoái. Già Xiết mời khách vào nhà rồi săng sái gọi người con trai đi giết gà thết khách…

Già Xiết (thứ 2 bên trái) trên đường tuần tra cột mốc cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu
  • Già Xiết (thứ 2 bên trái) trên đường tuần tra cột mốc cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu

Trò chuyện với già Xiết, chúng tôi được ông kể cho nghe về quãng thời gian tự nguyện tham gia bảo vệ cột mốc trên đỉnh Pom Giới. Trước đây, nhà ông ở trên đỉnh Pù Quăn, xã Pù Nhi (Mường Lát). Lúc bấy giờ, ở Pù Quăn khó khăn lắm, cái đói triền miên cứ vây lấy gia đình ông và bà con trong bản. Đến năm 1980, ông quyết định rời Pù Quăn, đưa gia đình lên bản Suối Tút này lập nghiệp.

Ở Suối Tút ngày đó cũng khó khăn, nhưng hơn Pù Quăn là nhiều măng rừng, củ mài và có nhiều đất đai để trỉa ngô, trồng sắn. Trong những lần đi rừng hái măng, ông leo lên tận đỉnh Poom Giới, rồi phát hiện ra ở đó có một cột mốc đánh dấu địa giới giữa nước mình và nước bạn Lào. Ngày ấy, cột mốc đó được đánh dấu là mốc G6, còn bây giờ là ba cột mốc 285, 286 và 287.

“Ngày ấy, rừng núi rậm rạp, nhiều dốc đá dựng đứng nên khi bố thấy các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra thì thương lắm. Mỗi lần thấy các chú ấy đi tuần tra, kiểm tra cột mốc, bố đã đề nghị được đi cùng và tham gia chăm nom, bảo vệ mốc ấy. Bởi bố nghĩ rằng, cột mốc biên giới là nơi thiêng liêng của Tổ quốc mình. Đó không phải chỉ là nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân với Tổ quốc” - già Xiết bộc bạch.

Già Xiết bên những phần thưởng do Nhà nước trao tặng
  • Già Xiết bên những phần thưởng do Nhà nước trao tặng

Biết là đỉnh Poom Giới cao, xa như vậy trong khi già tuổi đã cao, già Xiết bảo, năm nay hơn bảy mươi tuổi, đôi khi cái chân đã thấy mỏi, nhưng không lên với cột mốc thì nhớ lắm. Khi còn khỏe, mỗi lần leo lên mốc cũng chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, giờ mỗi lần lên mốc phải leo mất hơn 4 tiếng. “Nhưng bố vẫn thấy vui lắm. Đỉnh Poom Giới không cao, không xa mà!” - già Xiết cất tiếng cười vui.

Ước nguyện của già Xiết

Vì công việc, Thiếu tá Trần Văn Đoàn thường xuyên đến với dân bản ở hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Anh rất am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào và hoàn cảnh của từng gia đình ở bản Suối Tút. Anh cho biết, để đến cột mốc 285, 286 và 287, già Xiết phải vượt qua nhiều con suối, đỉnh đèo, dốc đá cheo leo hiểm trở. Mỗi lần đi như vậy, già Xiết thường mang theo con dao quắm (loại dao đồng bào dùng đi rừng để phát bụi rậm, phòng thân), đeo một chiếc radio, chiếc gậy và cơm nắm. Già Xiết bắt đầu gắn bó với cột mốc G6 từ những giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Cứ mỗi tháng một lần, già Xiết lại ngược đỉnh Poom Giới để lên kiểm tra cột mốc.

Cũng theo Thiếu tá Đoàn, có lần phát hiện cột mốc G6 bị sứt một mảng lớn nên già Xiết nhặt mảnh vỡ ấy bỏ vào tay nải mang về Đồn Biên phòng Quang Chiểu báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Sau đó, các chiến sĩ của Đồn đã lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc và truy tìm kẻ phá cột mốc. Già Xiết cũng có thói quen ghi chép vào sổ những thông tin thu thập được, để về báo cáo với Đồn khi cần thiết.

Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu - cho biết: Già Xiết là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhiều năm qua. Dù chỉ đến phát quang cỏ dại che khuất cột mốc, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn ở chân cột… rồi lại băng rừng về nhưng không dễ mấy ai làm được. Những công việc thầm lặng của già Xiết giúp bộ đội thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin về chủ quyền biên giới, cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Già Xiết đã được UBND các cấp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng nhiều giấy khen. 

Suốt 30 năm tình nguyện tuần tra, chăm nom, bảo vệ cột mốc, già Xiết có rất nhiều kỷ niệm. Ông kể, hơn chục năm trước, trong một lần lên thăm mốc, ông phát hiện một nhóm người đang đốt rẫy trồng cây anh túc (thuốc phiện) ở sườn đồi, cách cột mốc G6 không xa. Nếu lúc đó đứng ra ngăn cản họ thì chắc chắn sẽ không thành công, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, già đã nhanh chóng xuống núi và báo cáo với bộ đội biên phòng. Sau đó, già dẫn bộ đội lên điểm có người trồng cây thuốc phiện trái phép để tuyên truyền, vận động bà con tự phá bỏ loài cây độc hại này.

“Bây giờ, đôi chân của bố đã mỏi, chắc không còn sức để lên với mốc thường xuyên như trước nữa. Bố phải bàn giao lại cho thằng Cáu và thằng San thôi. Bọn trẻ dòng họ Phan sẽ phải thay bố. Nhất định phải có người liên tục lên với đỉnh Poom Giới để bảo vệ và chăm sóc cột mốc”, già Xiết bộc bạch. Cáu và San là hai người con trai của già. Vợ chồng già Xiết có tất cả 6 người con (3 trai, 3 gái).

Các con của già Xiết đều tham gia công tác xã hội rất tích cực, trong đó, người con cả Phan Văn Cáu hiện giữ chức Bí thư Chi bộ bản Suối Tút, còn Phan Văn San làm Phó bản Suối Tút kiêm công an viên. Thời gian gần đây, thấy sức mình không còn khỏe để có thể vượt qua những con suối sâu, những đỉnh đèo dựng đứng nên mỗi lần lên thăm mốc, già Xiết lại đưa người con thứ Phan Văn San đi theo…

Lúc chia tay, rời bản Suối Tút, người con thứ của già Xiết thổ lộ rằng, ước nguyện của cha nhất định anh sẽ thực hiện bằng được. “Tôi sẽ tiếp nối việc làm của cha mình, rồi sau này truyền lại cho con cháu như một truyền thống của gia đình để tiếp tục bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc như cha tôi đã từng làm”, anh Phan Văn San nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ