(GD&TĐ) - Trong bất cứ một tổ chức nào cũng cần những con người nòng cốt, biết thắp lửa, biết dấn thân, biết canh tân các hoạt động của tổ chức. Ở nhà trường lớp người này gọi là giáo viên cốt cán. Danh hiệu này bao quát hơn khi gọi họ là giáo viên phương pháp.
Chân dung
Giáo viên phương pháp có thể làm cho đồng nghiệp khẩu phục về một số kỹ năng sư phạm nào đó, song giáo viên cốt cán làm cho đồng nghiệp vừa khẩu phục vừa tâm phục cả về tài năng sư phạm và phẩm chất sư phạm.
Người giáo viên cốt cán là người thầy thực hiện hài hòa 3 sứ mệnh sau đây: Người truyền đạo; Người thụ nghiệp; Người giải hoặc
Đó là những người miệt mài đi quảng bá một hệ giá trị sư phạm tiên tiến, biết hiện thực giá trị này vào thực tiễn qua việc góp sức ươm trồng cho hệ giá trị này mỗi ngày một nảy nở tốt tươi trong phạm vi nhà trường, địa phương và có khả năng hóa giải cho học trò, cho đồng nghiệp những điều vướng mắc về kiến thức về chuyên môn mà mình phụ trách.
Giờ thực hành Vật lý của học sinh bậc học THCS |
Giáo viên cốt cán từ bao năm nay đã là lực lượng rất cần thiết cho sự phát triển nhà trường Việt Nam. Ngày nay họ càng cần thiết cho công cuộc đổi mới giáo dục, khi nền giáo dục đang phải chuyển biến mạnh mẽ từ bỏ kiểu sư phạm quyền uy ban ơn (Power pedagogy) tiến đến kiểu sư phạm của tình bạn dân chủ thân thiện (Democratic fellow ship pedagogy).
Dạy học xuất phát từ người học và tập trung vào người học
Quan điểm nhân văn đối với hoạt động dạy học là việc này phải xuất phát từ người học và tập trung vào người học. (Cụm từ này xuất phát từ tiếng Anh được diễn đạt là learner centred teaching. Đáng tiếc việc dịch sang tiếng Việt có một thời khá dễ dãi gọi tắt là dạy học lấy người học làm trung tâm. Cách diễn đạt này gây ra một sự ngộ nhận về quá trình dạy học, về hoạt động dạy học, về vai trò của người thầy).
Hoạt động dạy học là hoạt động cơ bản trong nhà trường. Kiến tạo và thúc đẩy được hoạt động này phải có sự cộng hưởng của hai nhân vật: Người thầy và người trò. Sự hiện đại và nhân văn của khoa sư phạm phải được hiểu là: Có trò thì phải có thầy (dù có khi người thầy lẩn đi) và có thầy thì phải có trò.
Sự tồn tại “quan hệ thầy trò” như sự tồn tại của thanh nam châm. Dù thanh nam châm có được tách ra vẫn có cực Bắc và cực Nam.
Người ta thường nói một hoạt động dạy học mang tính tiên tiến thì “Thầy chủ đạo- Trò chủ động”. Hoạt động của thầy và trò quện vào nhau nhằm tới lợi ích của cộng đồng.
Một cách diễn đạt chính xác: Dạy học phải lấy lợi ích của cộng đồng làm trung tâm. Người thầy xuất phát từ trạng thái của trò (về hoàn cảnh, về sức khỏe, về nguyện vọng,…) tìm nội dung, phương pháp truyền đạt thích hợp, tập trung làm cho trò tiến bộ để có “Nhân cách – Nhân lực” thích ứng với bước tiến phát triển của cộng đồng.
Tứ sức của Trò và bốn phương thức dạy học
Nhà giáo dục lão thành Nguyễn Cảnh Toàn có lời khuyên giáo viên phải nhìn thấy học trò theo bốn sức (Tứ sức) sau đây mà xác định phương án dạy học thích hợp: Sức chứa; Sức hút; Sức thấm; Sức chế biến
Các phương án dạy học thường được áp dụng bao gồm: Dạy học trò biết bắt chước; Dạy học trò biết cách tái hiện; Dạy học trò biết cách tái tạo; Dạy học trò biết cách sáng tạo.
Một học trò mà sức chứa (sức tiếp thu) còn hạn chế lại áp dụng phương thức dạy học sáng tạo thì là sự tra tấn em đó. Song một học trò có khả năng sáng tạo tốt lại dạy theo kiểu bắt chước cũng làm cho học trò đó bị triệt tiêu hứng thú.
Nhà sư phạm giỏi là người biết “Tùy-Liệu-Lựa” đối tượng. Tức là tùy trình độ của đối tượng, khả năng của đối tượng mà định liệu và lựa chọn được nội dung, phương pháp cần truyền đạt để đạt tới chất lượng hiệu quả giáo dục cần thiết.
Giờ học nhạc của học sinh Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội |
Phân hóa dạy học
Thông thường giáo viên chỉ phân loại người học theo hai mức: Thông minh và chậm chạp. Thực tế còn phải chú ý đến tính cách, thái độ của người học theo hai trạng thái: Chuyên cần và lười biếng. Nếu kết hợp hai điều này thì sự phân loại trở thành bốn loại: Loại thứ nhất: Thông minh và chăm; Loại thứ hai: Thông minh và lười (học tài tử); Loại thứ ba: Chậm chạp và chăm; Loại thứ tư: Chậm chạp và lười
Với loại học trò thứ nhất người thầy phải dùng phương thức dạy học hợp tác. Người thầy có vai trò là “cố vấn” của trò trong học tập.
Với loại học trò thứ hai người thầy nên áp dụng phương thức dạy học tái tạo. Người thầy có vai trò người “điều phối sát sao” với trò trong học tập.
Với loại học trò thứ ba, người thầy nên áp dụng phương thức dạy học tái hiện. Người thầy có vai trò người “Thiết kế tỉ mỉ” với trò trong học tập
Với loại học trò thứ tư người thầy nên áp dụng phương thức dạy học bắt chước. Người thầy có vai trò người “Chỉ huy quyền uy” với trò trong học tập.
Trong một giờ học trước một đối tượng đa dạng, người thầy phải có tài năng sư phạm, phải uyển chuyển thực hiện tốt và khéo bốn vai trò: người cố vấn, người điều phối, người thiết kế, người chỉ huy của trò.
Và dù với loại học trò nào, người thầy cũng quán triệt lời dạy của Khổng Tử (bậc đại hiền của Phương Đông) với phương châm sư phạm: Hữu giáo vô loại (Không ai là không dạy được), thực hiện hài hòa năm việc: Dụ - Trợ - Đạo –Khải – Phát (Dẫn dụ khích lệ trò việc học, hỗ trợ, chỉ đạo, thức tỉnh, phát triển hài hòa nhân cách của họ).
Hai chữ I và hai chữ R của người thầy
Sinh thời, giáo sư Nguyễn Ngọc Quang - Nhà lý luận dạy học khả kính của Việt Nam thường góp ý với đồng nghiệp: Cố gắng trong quá trình tác nghiệp dạy học phải đạt các giá trị (+) cho hai phạm trù I và hai phạm trù R. I 1: Informatif, bài dạy phải có có thông tin hữu ích; I 2: Impressif, bài dạy phải gây ấn tượng.
Năm 1955, Bác Hồ từng có lời dạy: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của Dân tộc, của Nhà nước. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo” (Toàn tập, tập 8 trang 138) |
Người thầy phải là đạo diễn cho chính sự diễn xuất sư phạm của mình. Mỗi tiết giảng cố gắng gây được một vài nụ cười, dù chỉ là “mỉm cười”. Đó là nụ cười trí tuệ tinh tế chứ không phải là cách pha trò dung tục nhạt nhẽo.
R1: Remark, bài dạy phải có nhận xét kịp thời tinh thần thái độ người học, khích lệ khen ngợi và chấn chỉnh đúng lúc.
R2: Review, bài dạy phải có tiểu kết, tổng kết, nhấn mạnh từ khóa, vấn đề chìa khóa, trọng tâm, trọng điểm của kiến thức kỹ năng cần rèn luyện.
Yêu cầu cần đạt tới của một giờ học là sự hài hòa các giá trị I1, I2, R1, R2 chứ không phải làm cho một thành phần nào đó có giá trị (+) cao, các thành phần còn lại có giá trị thấp, hoặc tồi tệ hơn là giá trị (-)
Chúng ta có niềm tin đội ngũ giáo viên nói chung và đội ngũ giáo viên cốt cán nói riêng trong các nhà trường phổ thông sẽ thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, có những đóng góp xứng đáng vào cuộc đổi mới cách thực hiện phương pháp dạy học hiện nay, để cuộc đổi mới giáo dục tiến đến các thành tựu mới.n
PGS. Đặng Quốc Bảo