3 nguyên nhân giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn bộ sách cũ

3 nguyên nhân giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn bộ sách cũ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đối với bộ SGK cũ, giá bán không đổi từ năm 2011 tới năm 2019.

Do áp lực các chi phí nguyên liệu đầu vào, tiền lương tiền công tăng gấp nhiều lần và NXB Giáo dục Việt Nam phải bù lỗ mảng SGK từ các hoạt động khác nên sau nhiều lần kiến nghị, báo cáo Ban chỉ đạo Điều hành giá và các Bộ, ngành - NXB Giáo dục Việt Nam đã được Bộ Tài chính cho phép tăng giá bộ SGK cũ 16,9%.

Đối với bộ SGK mới và cụ thể là bộ SGK lớp 1, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT đều có văn bản yêu cầu các NXB kê khai giá và đề nghị rà soát lại các chi phí trong quá trình kê khai, cụ thể:

Bộ Tài chính có văn bản 1760/BTC-QLG ngày 20/2/2020 và Công văn số 43/BTC-QLG ngày 11/3/2020;

Bộ GD&ĐT đã có 2 văn bản gửi các NXB đề nghị kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; Xây dựng định mức biên soạn của bộ SGK mới trên cơ sở định mức của bộ SGK cũ (do các định mức biên soạn, in ấn của bộ SGK cũ đã được cập nhật, điều chỉnh năm 2019); tiết giảm tối đa các chi phí gián tiếp để xác định giá bán SGK lớp 1 bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và mục tiêu bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo quy định hiện hành của Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá gửi Bộ Tài chính là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá SGK.

Vì vậy, sau khi các NXB thực hiện rà soát, kê khai lại phương án giá (lần 2) với Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính có Công văn số: 3238/BTC-QLG, 3239/BTC-QLG, 3240/BTC-QLG ngày 20/3/2020 gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phương án kê khai giá của các đơn vị.

Mức giá SGK mới kê khai lần 2 đã giảm so với kê khai lần 1 từ 5%-18% theo giá bìa từng cuốn, so với bộ SGK cũ thì giá bộ SGK mới tăng cao hơn nhưng cũng do một số nguyên nhân khách quan như:

Thứ nhất: số đầu sách nhiều hơn so với bộ SGK cũ, cụ thể là thêm 5 môn học bắt buộc là Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm nên gồm 9-10 cuốn (bộ SGK cũ chỉ có 6 cuốn của môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Tập viết);

Thứ 2: việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 nên giá SGK kết cấu thêm một số chi phí không được ngân sách nhà nước hỗ trợ như bộ sách cũ (chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu...);

Thứ 3: về quy cách chất lượng có thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành (khổ sách lớn hơn, in màu nhiều hơn...).

3 nguyên nhân giá sách giáo khoa mới tăng cao hơn bộ sách cũ ảnh 1

Nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp hỗ trợ SGK cho học sinh khó khăn trong điều kiện giá sách tăng so với bộ sách cũ.

Theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 quy định Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng:

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ) với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Như vậy một năm học các em được hỗ trợ 900.000 đồng, mức hỗ trợ này giảm bớt khó khăn về chi phí mua sách giáo khoa.

Đồng thời đối với các học sinh dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc trong đó quy định chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa như:

Nhà trường xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học. Trường có trách nhiệm tổ chức tốt việc cho mượn và bảo quản sách giáo khoa để được sử dụng lâu dài, có hiệu quả; hằng năm trường được mua bổ sung số sách giáo khoa bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung.

Ngoài ra, hằng năm ngoài các chế độ chính sách của Nhà nước, chính sách đặc thù của các địa phương (nếu có), Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp các vụ, cục và địa phương để có các giải pháp để hỗ trợ cho mọi học sinh đều có đủ SGK đến trường, tiếp tục thực hiện các công tác xã hội như tặng SGK cho con các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

Đồng thời, đầu tư xây dựng Tủ sách dùng chung, tổ chức mua SGK cũ tặng cho thư viện các trường học thuộc địa bàn khó khăn; tổ chức phát động các phong trào quyên góp SGK, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại SGK, với phương châm tuyệt đối không để bất cứ học sinh nào thiếu sách đến trường.

Vậy có thể nói, đối với các đối tượng chính sách và các đối tượng khó khăn chưa được hưởng đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa cơ bản đã được hỗ trợ và tỷ lệ hỗ trợ này có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn có thể trên 90%, miền núi 65%, trung du và đồng bằng khoảng 25% ... và bình quân cả nước ước xấp xỉ 35% học sinh lớp 1 đã được thụ hưởng chính sách này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.