Câu trả lời cô nhận được từ trước đến nay tuy khác nhau nhưng chung quy lại là: Học tiếng Anh để giao tiếp, đi du lịch, có công việc tốt hơn, để dạy con và dạy học trò tốt hơn.
Học để có thể giao tiếp khi đi du lịch
Điều này là không khả thi vì để đạt được trình độ có thể giao tiếp khi đi du lịch, bạn cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm học full time, cật lực để đạt level 2/5. Những người tôi gặp hầu hết trước khi đi du lịch vài tháng mới ráo riết đăng ký học cấp tốc, ít có sự chuẩn bị từ trước. Tôi thường e dè khi nhận dạy những bạn này vì bản thân tôi cảm thấy áp lực, gốc không mà ngọn cũng chẳng có, chẳng đi đến đâu.
Thêm một điểm nữa là khi người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc hay dạy tiếng Anh thì bạn nói kiểu gì người ta cũng cố gắng hiểu được hết. Tin tôi đi, bạn nói sai phát âm, ngữ pháp lộn xộn, dùng từ không phù hợp, họ đều có thể đoán được ý bạn nói gì. Kỹ năng thích ứng và tồn tại của người nước ngoài rất cao.
Nhưng khi bạn sang nước họ thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Bạn sẽ không thể nghe và hiểu người ta nói cái gì và ngược lại - họ cũng không hiểu bạn nếu như bạn nói tiếng Anh như hồi ở nhà. Bạn cần có sự chỉn chu 100% trong phát âm và có kỹ năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc thì họ mới hiểu được. Nếu đạt khoảng 80-90% thì... lúc hiểu lúc không.
Đến đây bạn đã nhận ra mục tiêu học tiếng Anh để giao tiếp khi đi du lịch là một mục tiêu không khả thi đúng không. Nó cần có sự đầu tư dài hơi, kiên trì 6 tháng đến một năm để có thể giao tiếp khi đi du lịch. Không nhiều người làm được điều này nhưng chúng ta có cách giải quyết êm đẹp.
Với công nghệ hiện tại tôi thấy có các app mà mình nói tiếng Việt vào, nó hiện ra tiếng Anh hoặc tiếng Trung, sau đó đưa cho người ta nói, nó lại hiện ra tiếng Việt. Tôi tin trong vài năm tới, các công nghệ này sẽ rất phát triển để phục vụ việc giao tiếp và đi du lịch. Bạn không cần mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này mà chẳng đi đến đâu. Tin tôi đi! - đây là mục tiêu không khả thi.
Cô giáo Đào Thị Hằng (hàng đầu tiên váy hồng) và học trò tại làng Hama |
Học để có công việc tốt hơn
Đây cũng là mục tiêu không khả thi nhưng lại là mục tiêu chính của đa phần các bạn trẻ khi đăng ký học. Bây giờ hãy xem xét như thế nào là công việc tốt? Lương thưởng cao hơn, giờ giấc thoải mái hơn, có môi trường giao tiếp tiếng Anh….
Tiêu chuẩn “công việc tốt" nó sẽ thay đổi thường xuyên và nó cứ đòi hỏi bản thân bạn phải cập nhật, bổ sung đủ loại kỹ năng để phục vụ cái “tốt hơn" đó. Bạn sẽ không cảm thấy hài lòng với cái “tốt hơn" và luôn mong muốn cái “tốt hơn nữa", và cứ chạy theo để rồi đánh mất cái bạn đang có vì không biết trân trọng nó. Do vậy sẽ không có “công việc tốt hơn" mà mấu chốt ở chỗ bạn cần tìm được niềm vui trong công việc đang làm, đó là công việc tốt nhất! Đừng dùng tiếng Anh để đạt mục tiêu này, nó chẳng dẫn bạn đến đâu hết, động lực của bạn sẽ duy trì khó lâu hơn một tháng.
Học để dạy cho con và học trò tốt hơn
Đây là một ý định tốt và tôi rất khuyến khích nhưng đây không nên là mục tiêu hay động lực cho việc học của bạn. Bạn có thể đặt mục tiêu học cho chính mình, làm đầy chính mình, làm cho mình giàu có lên từ bên trong. Lúc nước đầy thì nó ứ tràn, lúc đó việc dạy sẽ trở thành điều tự nhiên mà không cần trường lớp, bàn ghế, sách vở hay giờ học cố định để bạn dạy cho con. Học cho mình trước, mọi thứ đều từ bản thân mình mà ra, nên quay lại với bản thân mình trước.
Thêm nữa, thế giới đang thay đổi rất nhanh, hai năm gần đây trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligent (AI) bùng nổ, tức nó được nghiên cứu từ trước đó rất lâu. Nó ứng dụng làm máy bay không người lái, ô tô ko người lái, người giúp việc... quan trọng là nó nó khả năng học như một con người. Mình muốn dạy kỹ năng gì nó học và làm được cái đó rất tốt. Nên tương lai nó thay thế rất nhiều sức lao động.
Bạn cần bắt đầu từ bản thân mình trước, tự giáo dục, tự đào tạo mình trước khi dạy con. Mình chưa biết được thế giới sẽ biến đổi như thế nào, làm sao mình lại dạy cho con cái mình đang biết. Liệu có phù hợp hay không?
Đó là chưa kể đến việc đứa con nó mượn bạn để ra đời, nó là con bạn nhưng không phải là của bạn. Nó đến với thế giới để học những bài học của nó, có thể không giống của bạn nên bạn không cần dạy, để nó tự học hoặc cuộc sống sẽ dạy nó. Hãy thư giãn và tận hưởng cuộc sống!
Tôi đọc đâu đó có câu: “Biết được một ngoại ngữ là sống thêm được một cuộc đời”. Mình nghĩ nó đúng, đọc được nghe được tiếng Anh bạn sẽ có có nhiều trải nghiệm của người khác mà dù mình có sống hết kiếp này và thêm nhiều kiếp nữa chưa chắc có được. Nó làm phong phú đời sống của bản thân rất nhiều, bạn sẽ có nhiều niềm vui mà không cần ai mang lại, tự bạn đã là niềm vui rồi.
Tuy nhiên, giữa biết và trải nghiệm là hai điều khác nhau. Sự biết nó sẽ hỗ trợ và làm phong phú cho việc trải nghiệm và nó sẽ dẫn dắt mình khỏi lạc lối. Kiến thức là của người khác, nhưng khi được lọc qua bản thân bạn, qua trải nghiệm của bạn, nó trở thành trí tuệ của bạn. Mà trí tuệ của mỗi cá nhân là điều rất quý giá trong đời sống của mỗi cá nhân.
Những học trò học tiếng Anh của cô giáo Đào Thị Hằng |
Làm thế nào để duy trì động lực học tiếng Anh?
Thứ nhất, nên coi việc học tiếng Anh là để lấy kiến thức, đừng xem nó là một môn học như môn ngoại ngữ. English is knowledge, not language. Khi xem nó là một môn học để thi cử, lấy điểm thì nó sẽ dẫn bạn chẳng đi đến đâu. Dù các bạn có đạt điểm rất cao trong các kỳ thi quốc tế, điều đó không đảm bảo rằng bạn sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày và trong môi trường học thuật.
Thêm nữa, các khoá học online của các trường hàng đầu thế giới, free. Chỉ cần máy tính nối mạng là bạn có thể học bất cứ nơi đâu. Cuộc cách mạng công nghệ sắp tới sẽ làm thay đổi toàn diện cách học.
Thứ hai, trau dồi khả năng tiếng Việt của mình. Sẽ có người đặt câu hỏi: Tôi sống mấy chục năm ở Việt Nam, nói tiếng Việt hàng ngày, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ sao lại cần phải trau dồi làm gì? Thực ra chúng ta cần trau dồi khả năng diễn đạt, cách dùng từ trong tiếng Việt. Cách diễn đạt của người Việt mình có phần vòng vèo, không trực diện.
Anh Luca người sáng lập Luca System Hằng đang hướng dẫn cho học trò, là người thành thạo 16 ngôn ngữ. Nếu như chia mức độ thành thạo một ngôn ngữ thành 5 cấp độ, cấp độ đi du lịch là cấp độ 2, nó cần 6 tháng đến 1 năm học. Cấp độ 3 để đi du học cần 2 năm học thì cấp độ 5 là thành thạo như người bản ngữ.
Dù thành thạo 16 ngôn ngữ nhưng hàng ngày anh Luca vẫn trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình - Tiếng Ý. Điều đó nói lên việc cần thiết phải phát triển cách sử dụng tiếng Việt là việc nên làm.
Vậy còn giao tiếp thì sao?
Một bí mật trong giao tiếp là: Giao tiếp là quá trình trao đổi năng lượng, chứ không phải trao đổi ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, nó chỉ đóng vai trong 7% trong miếng bánh giao tiếp. 93% còn lại nó đến từ bên trong chính bạn, là năng lượng, trải nghiệm, sự hiểu biết của chính bản thân bạn.
Vậy tại sao bạn phải dành quá nhiều thời gian cho 7% đó? Hãy dành thời gian 93% cho việc xây dựng kiến thức, tăng vốn hiểu biết về các mặt đời sống, khoa học, xã hội, tâm linh…
Khi bạn có kiến thức nền tảng đó, bạn trở thành con người thú vị, khi đó việc giao tiếp diễn ra tự nhiên, không phiền phức, không rườm rà, không cần tuân thủ các quy tắc ngữ pháp… bạn vẫn có thể giao tiếp với người khác một cách hiệu quả bằng năng lượng và sự hiểu biết của mình. Bạn có đồng ý với tôi không?