Dấu hiệu của đau nhức bắp thịt (heat cramps)
Khi nào hay gặp?
Đau nhức bắp thịt, hay còn gọi là vọp bẻ là những cơn đau nhức ở tay, chân hay bụng, xảy ra sau khi cơ thể hoạt động mạnh dưới trời nắng nóng.
Chạy nhảy, tập luyện hay chơi đùa quá nhiều và lâu dưới trời nắng khiến trẻ toát mồ hôi dữ dội, làm cơ thể mất rất nhiều muối khoáng và chất dịch lỏng. Chính việc nồng độ muối trong cơ thể bị giảm đã dẫn đến tình trạng nhức mỏi trong các bắp thịt.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt hay gặp chứng đau nhức bắp thịt do nóng (heat cramps) khi không uống đủ nước. Mặc dù gây đau nhức nhưng bản thân chứng heat cramps này không nguy hiểm, tuy nhiên nó lại có thể là dấu hiệu đầu tiên của nhiều căn bệnh nghiêm trọng hơn do nắng nóng.
Do đó, bố mẹ cần có biện pháp xử lí kịp thời khi thấy con có dấu hiệu của đau nhức bắp thịt sau khi đi ngoài trời nắng về.
Cần làm gì?
Cung cấp cho bé một nơi nghỉ ngơi thoải mái, mát mẻ và cho bé uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, sữa, nước canh, súp,…), khuyến khích trẻ uống nước có cho thêm một chút đường và muối. Mát xa nhẹ nhàng cũng giúp trẻ dễ chịu hơn rất nhiều.
Dấu hiệu của kiệt sức do nóng (heat exhaustion)
Khi nào hay gặp?
Kiệt sức do nóng cũng là tình trạng xảy ra khi cơ thể ở trong thời tiết quá nóng nực mà không được cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết, bao gồm các triệu chứng sau: cảm thấy cực kì khát, mệt mỏi, uể oải, ngất xỉu, buồn nôn, ói mửa, đau đầu, khó chịu, đau nhức bắp thịt, mồ hôi toát ra nhiều, da lạnh và nhớp nháp, nhiệt độ cơ thể tăng dần (lên trên 38 độ C nhưng dưới 40 độ C),…
Nếu không được chữa trị kịp thời, chứng kiệt sức do nóng (heat exhaustion) có thể chuyển thành tai biến do nóng (heatstroke), dẫn tới nguy cơ tử vong.
Cần làm gì?
- Đưa trẻ tới nơi mát mẻ, có bóng râm
- Cởi bỏ bớt quần áo trên người bé
- Khuyến khích trẻ uống những loại nước có bỏ thêm đường và muối.
- Dùng khăn nhỏ, nhúng vào nước mát để lau người cho bé
- Những trường hợp nặng cần được chữa trị tại bệnh viện với nước truyền tĩnh mạch (để bù lại lượng nước trong cơ thể đã mất qua mồ hôi) và các phương pháp làm mát đặc biệt.
Dấu hiệu của tai biến do nóng (heatstroke)
Khi nào hay gặp?
Những dấu hiệu của tai biến do nóng (heatstroke) hay gặp trong tình huống trẻ bị bỏ lại hoặc vô tình bị kẹt trong xe ô tô trong những ngày nắng nóng. Đã từng có rất nhiều vụ trẻ bỏ mạng vì bị bố mẹ để quên trong xe ô tô.
Khi nhiệt độ ngoài trời ở tầm 33 độ C thì nhiệt độ bên trong một chiếc xe ô tô có thể vọt lên tới 51 độ C chỉ trong vòng 20 phút, khiến nhiệt độ cơ thể người ở trong xe tăng cao đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tổn thương não, thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, việc mặc quá nhiều quần qáo, hoạt động thể chất mạnh dưới tiết trời nóng bức mà không được cũng cấp đủ nước cũng có thể dẫn tới tai biến do nóng.
Cần làm gì?
- Gọi ngay cứu thương khi trẻ đi từ ngoài nắng về hoặc ở trong môi trường rất nóng và có một hoặc nhiều trong các biểu hiện sau: đau đầu trầm trọng, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nhịp thở và nhịp tim nhanh, mất nhận thức, co giật, không toát mồ hôi được, da khô, nóng và đỏ ửng, thân nhiệt lên tới 40 độ C hoặc cao hơn.
- Trong lúc chờ cứu thương:
+ Đưa trẻ vào nơi mát mẻ, có bóng râm
+ Cởi bỏ bớt quần áo và dùng khăn thấm nước mát để lau người cho trẻ
+ KHÔNG cho trẻ uống nước trừ khi trẻ vẫn còn tỉnh táo, có nhận thức và hoạt động bình thường
Một số lời khuyên giúp bảo vệ trẻ trong những ngày nắng nóng cực điểm:
- Dạy trẻ luôn uống nhiều nước trước và sau khi phải đi lại, hoạt động dưới thời tiết nắng nóng – kể cả khi lúc đó trẻ không cảm thấy khát
- Cho trẻ mặc quần áo có màu sắc tươi sáng (vì quần áo màu tối sẽ hấp thu nhiều ánh sáng và bức xạ có hại hơn) và dùng kem chống nắng khi ra ngoài
- Trong những ngày thời tiết nắng nóng cao độ, chỉ nên cho trẻ hoạt động mạnh trước buổi trưa và sau 6 giờ tối.
- Dạy trẻ biết vào trong nhà, nằm nghỉ và bổ sung nước ngay lập tức khi cơ thể cảm thấy quá nóng.