2021 - Năm của những cuộc di dân

GD&TĐ - Năm 2021, dòng người hồi hương lũ lượt vượt hàng trăm cây số để về quê khiến không ít người phải suy ngẫm.

Bảo đảm đời sống và an toàn cho công nhân là yêu cầu quan trọng để giữ chân người lao động.
Bảo đảm đời sống và an toàn cho công nhân là yêu cầu quan trọng để giữ chân người lao động.

Đó còn là hình ảnh khiến nhiều chuyên gia trăn trở về bài toán an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai.

Chạy dịch – con số biết nói

Giữa tâm dịch, hàng trăm nghìn người lao động từ TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam cố gắng về quê bằng mọi giá. Cực chẳng đã, nhiều lao động cho biết, họ đã hết khả năng chịu đựng, chống chọi giữa thành phố khi mất việc, hết tiền.

Biết rõ tự ý di chuyển ra khỏi thành phố khi chưa được phép là sai quy định phòng chống dịch, song người lao động ngoại tỉnh vẫn “liều mình” để được về nhà. Nhiều gia đình mang theo cả “gia tài”, con cái chất hết trên một chiếc xe máy để về quê.

Những hình ảnh lao động vạ vật ngủ ngay rìa đường trên hành trình “chạy dịch” về quê không chỉ khiến nhiều người xót xa, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, về quan hệ lao động và quản lý thị trường lao động hiện nay.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tác động của dịch Covid-19 khiến khoảng 1,3 triệu lao động từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương. Một số tỉnh có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hậu Giang…

Làn sóng dịch chuyển lao động do tác động của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Qua đó cũng bộc lộ những bất cập từ các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động ngoại tỉnh tại các trung tâm kinh tế lớn hiện nay. Đây cũng là thực tế của thị trường lao động và những con số biết nói về số lượng lao động “chạy dịch” thời gian qua.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng, cần sự quản lý của Nhà nước và quản lý lao động tại các địa phương. Điều này nhằm tái bố trí lao động ngay tại chính địa phương theo hướng “ly nông bất ly hương”.

Ông Trường cho rằng, ngành lao động ở các địa phương cần thống kê một cách chính xác số lượng lao động tại địa phương đã trở về từ các khu công nghiệp. Bên cạnh đó tổ chức hoạt động giới thiệu tuyển dụng trên địa bàn để người lao động không phải thực hiện di cư một lần nữa.

Đây sẽ là yếu tố bền vững lâu dài bởi thời gian tới, người lao động đã về quê không kiếm được việc làm, không có thu nhập khác để thay đổi. Vì vậy, con đường duy nhất của họ là phải trở lại các khu công nghiệp để thực hiện tuyển dụng lao động. Nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm kiếm việc làm càng tăng cao.

Trong khi những chính sách liên quan đến nhà ở, ký túc xá là những hệ chính sách lâu dài mới có được thì chắc chắn khi di cư trở lại, người lao động vẫn phải ở các xóm trọ, ở tự do. Họ vẫn phải tiếp tục trong một vòng xoáy thuộc nhóm lao động hết sức nhạy cảm nếu có những diễn biến về thiên tai, dịch bệnh như Covid-19.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tại các tâm dịch và cũng là trọng điểm kinh tế của cả nước như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chứng kiến những cuộc “di dân” khổng lồ. Hàng trăm nghìn lao động từ các địa phương này tìm mọi cách để về quê. Người đi bộ, người đi xe máy, quãng đường để về nhà có thể là vài trăm nhưng cũng có thể là cả nghìn cây số.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, việc để hàng trăm nghìn lao động phải “vượt rào” về quê trong mùa dịch bệnh là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Đây là những khu vực trọng điểm kinh tế, thu hút lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Tại Bình Dương, ước tính lao động trong các khu công nghiệp có đến 60 - 70% là người ngoại tỉnh.

Về quy định Nhà nước, người lao động ở đâu thì chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt.

Cũng bởi vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng vẫn ngụ cư. Họ không xác định sẽ gắn bó lâu dài, nên khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi, không thể cầm cự, người dân phải tìm mọi cách để về quê.

Dòng người lao động hồi hương tránh dịch là bức tranh khiến không ít người trăn trở.
Dòng người lao động hồi hương tránh dịch là bức tranh khiến không ít người trăn trở.

Hồi hương – bài toán giải quyết gánh nặng an sinh

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), việc di chuyển của lao động năm 2021 khiến doanh nghiệp gặp nguy cơ thiếu hụt nhân lực với số lượng lớn trong và sau dịch. Đặc biệt là doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử….

Cục Việc làm cho biết, tác động của 2 đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn. Đặc biệt, thị trường lao động phía Nam vốn sôi động nhưng gần như “tê liệt”.

Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thị trường lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc lao động về quê sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động và doanh nghiệp.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa lao động về quê. Tuy nhiên do yêu cầu về y tế, không phải địa phương nào cũng có thể đón được người dân hồi hương. Trong đó, hầu hết ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai.

Vì vậy, với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ mắc bệnh nên nhiều lao động về quê tự phát bằng các phương tiện cá nhân. Họ không đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế…

Ông Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - cho rằng, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và dòng lao động hồi hương cho thấy cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Lộc, không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam Bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng nếu các siêu đô thị vẫn ôm các ngành công nghiệp mà chủ yếu là giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này.

Khi cuộc sống trở lại bình thường mới các doanh nghiệp lại mòn mỏi tuyển lao động.
Khi cuộc sống trở lại bình thường mới các doanh nghiệp lại mòn mỏi tuyển lao động.

Mặt khác, điều này còn làm chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai.

Ông Trần Văn Khải - Ủy viên BCH Đảng bộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, trước đây việc thu hút lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó. Giờ đây lại xuất hiện tình trạng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê.

Tình trạng doanh nghiệp không thể giữ được lao động kể cả khi Chính phủ mở cửa hiện đang diễn ra. Do đó, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng và hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ tăng trưởng đất nước.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Chủ biên công trình nghiên cứu “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại”, đánh giá, người di cư rời thành phố về quê trong năm 2021 là bức tranh khá ảm đạm. Vậy nhưng, ở góc độ tiếp cận khác, có thể thấy mặt tích cực là người lao động có năng lực quản trị rủi ro, ứng phó. Họ đang góp phần cùng giải quyết các bài toán của các tỉnh, thành về gánh nặng an sinh.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc giải thích, lâu nay người di cư từ nông thôn chuyển đến thành thị để kiếm sống, đảm bảo an sinh cũng như gửi tiền về quê nhà. Trong quá trình này họ thường dẫn theo người phụ thuộc như con cái, cha mẹ, ông bà... Dịch bùng phát, họ bị “mắc kẹt” ở thành phố. Họ muốn đưa những người yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, mới sinh... về quê.

Ông Nguyễn Đức Lộc nêu quan điểm, thời điểm này có thể xem là khởi đầu của các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững đô thị. Sự phát triển này không thể thiếu bóng dáng lao động di cư. Thành phố cần quan tâm đến chất lượng đời sống, đặc biệt là chỗ ở của người lao động di cư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...