Khoảng 1,3 triệu người đã dịch chuyển về quê

GD&TĐ - Do diễn biến phức tạp của Covid-19, dòng lao động từ các tỉnh phía Nam về quê đã diễn ra từ đầu tháng 7 và ồ ạt hơn vào đầu tháng 10. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu người đã rời thành phố về quê.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng cục Thống kê cho biết, dựa vào số liệu báo cáo nhanh tổng hợp đến ngày 15/9, đã có khoảng 1,3 triệu người trở về từ các tỉnh có dịch bệnh. Trong đó 36% là nữ, và 72% là những người từ 15 tuổi trở lên. 

Trong 1,3 triệu người quay trở về địa phương có 324.000 người là trở về từ Hà Nội, 292.000 người trở về từ TP Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh TP khác ở phía Nam.

Thống kê cũng cho biết, trong hơn 930.000 người từ 15 tuổi trở lên về quê có 34% là những người đang làm việc, 38% là những người thất nghiệp, không tìm được việc làm do phải cách ly giãn cách. Số còn lại là những người không có nhu cầu làm việc do nhiều lý do (sợ dịch bệnh, đang đi học…).

Giải thích về tình trạng nhiều người di chuyển về quê, thông tin trên báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết những người lao động trở về quê trong thời gian vừa qua đa số là những người ở khu vực lao động phi chính thức cũng như lao động hợp đồng lao động ngắn hạn, cuộc sống không đảm bảo được khi thất nghiệp. Cho nên trong tình huống giãn cách kéo dài buộc họ phải về quê.

Bên cạnh đó, việc các địa phương đều có chính sách hỗ trợ trên đường mà người lao động di chuyển về. Ngoài ra, khi về đến nơi, các địa phương cho cách ly tập trung không thu phí, còn hứa tạo công ăn việc làm. 

Chính sách tốt như vậy nên nhiều lao động trong khu vực phi chính thức cũng như hợp đồng ngắn hạn muốn di chuyển về quê.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, số người tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 bị sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động, với 62,8% (giảm 7,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước), tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4% (giảm lần lượt so với quý trước và cùng kỳ năm trước là 3,3 điểm phần trăm và 5,4 điểm phần trăm).

Dịch bệnh cũng khiến thu nhập của người lao động sụt giảm mạnh. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lao động tại vùng Đông Nam Bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất. So với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, làn sóng Covid-19 thứ 4 đã cuốn đi khoảng 1/4 mức thu nhập bình quân tháng của người lao động vùng này.

Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP Hồ Chí Minh chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ