Các học viên đến từ 8 tỉnh, thành phía Bắc, gồm: Hải Phòng, Ninh Bình, Cao Bằng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Điện Biên. PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khoá tập huấn, bồi dưỡng chuyển sang hình thức trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS.
Khoá học sẽ thực hiện theo công thức 7-2-7. Theo đó, học viên có 7 ngày tự học, tự bồi dưỡng thông qua tài liệu mà Ban tổ chức đã gửi trên hệ thống. Sau đó, học viên sẽ có 2 ngày học trực tiếp qua lớp học ảo. Tiếp đến, học viên có 7 ngày để làm bài tập cuối khoá.
PGS.TS Trần Hữu Hoan chia sẻ, ở mô-đun này, các học viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng một số nội dung như: khái quát yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ dạy học trong trường tiểu học, nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, các học viên sẽ rút ra vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của hiệu trưởng.
Ngoài ra, học viên sẽ tập trung vào việc nhận diện, đánh giá được thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ phục vụ dạy học, giáo dục trong nhà trường (nơi mình công tác) đang ở mức nào, đã đáp ứng được yêu cầu của dạy học và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay chưa.
Từ thực trạng đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm, sử dụng trang thiết bị, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ của nhà trường, đáp ứng yêu cầu dạy –học.
Cùng với đó, huy động để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ của nhà trường để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều quan trọng là, sau tập huấn, bồi dưỡng; các học viên cần hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương để thực hiện mô-đun này.
Theo lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục, quá trình học sẽ được ghi âm, ghi hình trên hệ thống. Như vậy việc điểm danh còn sát sao hơn so với việc điểm danh trực tiếp.
Do đó, yêu cầu đặt ra là, học viên phải coi như chúng ta đang học trực tiếp, giáp mặt với giảng viên. Vì thế, học viên phải đi học đều, tham dự đúng thời gian, bật hình đầy đủ.
Ban tổ chức đã gửi tài liệu đăng tải trên hệ thống LMS, học viên tự nghiên cứu tài liệu và thực hiện các bài tập như những mô-đun trước, gồm: Các câu hỏi trắc nghiệm, xem video, xem các yêu cầu của khóa học và đọc tài liệu. Riêng tài liệu năm nay sẽ chuyển tài liệu cứng, bản in tới các Sở GD&ĐT.
Trong 2 năm qua, Học viện Quản lý giáo dục cùng 8 trường đại học sư phạm đã hoàn thành bồi dưỡng 3 mô-đun, đó là: Quản trị hoạt động dạy học của giáo dục trong trường tiểu học, Quản trị nhân sự, Quản trị tài chính. Năm nay, Học viện Quản lý Giáo dục là đầu mối để triển khai bồi dưỡng mô-đun 4, đó là Quản trị cơ sở vật chất thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh ở trường tiểu học, THCS, THPT.
Ba mô-đun vừa rồi đã đạt được kết quả như mong đợi, 98-99% học viên đã hoàn thành khóa học và đã đạt được kết quả khá tốt. Đây cũng là tỷ lệ học viên đánh giá hài lòng về khoa học, về cách thức tổ chức, giảng dạy và tài liệu tập huấn, bồi dưỡng.